-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Bảo tàng lâu đời nhất Việt Nam – Ngôi nhà của những báu vật điêu khắc Chăm pa
Vào cuối thế kỷ 19, công sứ người Pháp tên là Charles Lemire đã phát hiện một số lượng khá lớn cổ vật của người Chăm trong các cuộc khảo sát khảo cổ học. Sau đó đưa chúng về khu vực nay thuộc trung tâm thành phố Đà Nẵng để triển lãm trưng bày. Sau đó, Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp tiến hành khai quật thêm với quy mô lớn hơn và tìm thấy nhiều cổ vật hơn. Từ đó kéo theo nhu cầu cấp thiết phải có một bảo tàng để lưu giữ, bảo quản và trưng bày những tác phẩm điêu khắc đá cổ này.
Năm 1902, Henri Parmentier, một nhà khảo cổ học nổi tiếng của Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp, đã đề xuất phương án thiết kế một bảo tàng Chăm tại Đà Nẵng. Trên cơ sở đó, Bảo tàng Điêu khắc Chăm được khởi công xây dựng vào năm 1915 và hoàn thành vào năm 1919.
Tọa lạc trên một gò đất bên bờ Tây sông Hàn, gần đầu phía Tây cầu Rồng ngày nay, bảo tàng được thiết kế dựa trên sự kết hợp giữa phong cách kiến trúc cổ điển châu Âu và của người Chăm. Đây cũng là bảo tàng đầu tiên và lâu đời nhất Việt Nam. thậm chí còn lâu đời hơn cả Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam ở Hà Nội, trước đây có tên là Bảo tàng Louis Finot do Pháp xây dựng vào năm 1926.
Không gian trưng bày tượng điêu khắc đá Trà Kiệu / Nguồn: chammuseum.com
Ban đầu, bảo tàng trưng bày 160 tác phẩm điêu khắc đá Chăm do Henri Parmentier phát hiện vào thế kỷ 19. Kể từ đó, bộ sưu tập nghệ thuật đã được bổ sung thêm nhiều tượng đá cổ từ các nguồn khác nhau.
Tòa nhà đầu tiên của Bảo tàng Điêu khắc Chăm do hai kiến trúc sư người Pháp là Delaval và Auclair thiết kế trên cơ sở gợi ý của Parmentier về việc sử dụng một số nét kiến trúc của người Chăm. Trải qua nhiều lần mở rộng, bảo tàng vẫn giữ nguyên vẹn lối kiến trúc cũ nhưng vẫn duyên dáng và đầy tự hào với những không gian triển lãm vô cùng độc đáo.
Không gian trưng bày tượng điêu khắc đá Mỹ Sơn/ Nguồn: chammuseum.com
Với hơn 100 năm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, Bảo tàng Điêu khắc Chăm được coi là nơi độc đáo trưng bày những tinh hoa nghệ thuật điêu khắc của dân tộc Chăm, là di sản quý báu của thành phố Đà Nẵng nói riêng và của cả nước nói chung. Hiên bảo tàng đang lưu giữ khoảng 2,000 mẫu vật, gần 300 trong số đó hiện đang được triển lãm trưng bày theo các chủ đề khác nhau.
Các hiện vật trưng bày phản ánh rõ nét đời sống văn hóa tinh thần, tư duy kiến trúc, điêu khắc của đồng bào Chăm xưa. Chúng cũng bao gồm một số tác phẩm điêu khắc đá liên quan đến Ấn Độ giáo và một số khác có chủ đề liên quan đến cuộc sống hàng ngày.
Hình ảnh điêu khắc đài thờ thuộc thánh địa Mỹ Sơn – Quảng Nam / Nguồn: chammuseum.com
Đến với bảo tàng, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những tác phẩm điêu khắc đá Chăm nguyên bản có niên đại hàng thế kỷ trước và cùng tìm hiểu về văn hóa của Vương quốc Chăm Pa xưa trong lịch sử Việt Nam. Bộ sưu tập điêu khắc đá Trà Kiệu là một trong những bộ sưu tập nổi bật được bảo tồn ở nơi đây. Hầu hết các vật phẩm bằng đá được trưng bày có niên đại từ thế kỷ thứ 10 - 11, thậm chí một số tượng đá còn có niên đại từ thế kỷ thứ 5 - 6.
Đáng chú ý, trong số đó có 3 bảo vật quốc gia là đài thờ Trà Kiệu, đài thờ Mỹ Sơn E1 và tượng Phật Tara. Đàn tế Trà Kiệu, được tạo tác từ thế kỷ thứ 10, được ca ngợi là kiệt tác điêu khắc đá với hình ảnh 11 vũ nữ Apsara trong tư thế uyển chuyển, quyến rũ. Lối chạm khắc đá này khá điển hình cho sự giao thoa của văn hóa Ấn Độ và Đông Nam Á. Trong khi đó, đài thờ Mỹ Sơn E1 có niên đại từ thế kỷ 7 - 8, tái hiện lại một cách sinh động và nghệ thuật những vũ điệu tâm linh của Ấn Độ giáo. Ngoài ra, tượng đá Tara, có niên đại từ thế kỷ 9 - 10, tượng trưng cho hóa thân của Quán Thế Âm, một vị bồ tát Phật giáo. Đây cũng là hiện vật được điêu khắc đồng duy nhất được lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm.
Biên dịch: Minh Hậu
Biên tập: Thu Huyền
Nguồn: Vietnam’s oldest museum - home of Cham cultural treasures | vietnamnet.vn