-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Bảo tàng Anh tuyển người giám tuyển bộ sưu tập, nhấn mạnh vai trò của nghệ thuật châu Phi
Bảo tàng Anh đang tìm kiếm một giám tuyển giàu kinh nghiệm để lãnh đạo quá trình thay đổi toàn diện các phòng trưng bày cố định của mình. Vị trí này là một phần của sáng kiến cải tổ lớn mang tên “Tái hiện Bảo tàng Anh”. Mức lương dành cho vai trò giám tuyển chính của dự án là 48.169 bảng Anh, theo hợp đồng có thời hạn 24 tháng.
Theo thông tin đăng tuyển trực tuyến, người đảm nhiệm công việc sẽ chịu trách nhiệm thành lập các nhóm làm việc nhằm xây dựng nội dung trưng bày cho các phòng trưng bày cố định mới. Họ cũng sẽ cần đánh giá và xây dựng các mô hình hợp tác hiệu quả, nhằm thu hút sự tham gia từ cộng đồng toàn cầu trong việc phát triển định hướng trưng bày mới.
Ngoài ra, bảo tàng cũng đang tuyển thêm một người quản lý chương trình để hỗ trợ triển khai dự án.
Một người phát ngôn của Bảo tàng Anh cho biết: “Dự án này là một phần trong quy hoạch tổng thể của bảo tàng, nhằm phát triển những phương pháp trưng bày mới, với tinh thần hợp tác toàn cầu. Mục tiêu là làm mới cách diễn giải bộ sưu tập, đồng thời cung cấp cơ sở cho việc cải tổ các phòng trưng bày trong tương lai.”
Kể từ năm 2017, Giám đốc Bảo tàng Anh – ông Hartwig Fischer – đã chia sẻ với The Art Newspaper về kế hoạch cải tổ quy mô lớn, được xem là cuộc tái thiết quan trọng nhất của bộ sưu tập kể từ giữa thế kỷ 19. Một phần trong kế hoạch đó là xây dựng trung tâm lưu trữ và tiếp cận mới có tên BM_ARC để thay thế cơ sở Blythe House – nơi được chia sẻ với Bảo tàng Victoria & Albert và Bảo tàng Khoa học.
Một số phòng trưng bày đã được mở cửa trong giai đoạn đầu của chương trình, bao gồm Phòng trưng bày Thế giới Hồi giáo do Quỹ Albukhary tài trợ và Phòng trưng bày Nhật Bản do Tập đoàn Mitsubishi hỗ trợ, cả hai đều khai trương vào năm 2018.
Trong một bức thư gửi tới The Times vào tháng 2, ông Fischer khẳng định rằng kế hoạch cải tổ này sẽ giúp mang lại “sự hiện diện mới và mạnh mẽ hơn” cho các bộ sưu tập từ khắp nơi trên thế giới – đặc biệt là từ khu vực Thái Bình Dương, Châu Mỹ và Châu Phi. Ông nhấn mạnh rằng châu Phi sẽ được “làm nổi bật hơn nữa” trong chương trình mới.
Ông cũng lưu ý rằng đây là một dự án lớn, phức tạp và sẽ mất nhiều năm để hoàn thành. Tuy nhiên, ông tin rằng quy hoạch này sẽ giúp công chúng hiểu rõ hơn về mối liên hệ giữa các nền văn hóa khác nhau – cả cổ đại lẫn hiện đại – đồng thời tái cấu trúc lại cách tổ chức hiện vật trong không gian lịch sử của bảo tàng.
Fischer cũng phản hồi các chỉ trích từ nghệ sĩ Antony Gormley – cựu ủy viên bảo tàng giai đoạn 2007–2015 – người từng công khai phê phán cách sắp xếp hiện tại của bộ sưu tập. Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Khảo cổ học Anh, ông Gormley cho rằng châu Mỹ bị thu gọn trong một khu trưng bày nhỏ, còn châu Phi thì bị "đẩy xuống tầng hầm" – điều mà ông cho là biểu hiện rõ ràng của tư duy hậu thực dân.
Hồi tháng 3 năm nay, Bảo tàng Anh đã bổ nhiệm bà Isobel MacDonald vào vị trí giám tuyển, phụ trách nghiên cứu lịch sử 267 năm của bộ sưu tập bảo tàng – một bước đi được xem là nhằm hỗ trợ định hướng tái hiện lại toàn diện các trưng bày trong thời gian tới.
Biên dịch: Phương Anh
Nguồn: The Art Newspaper