-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Bàn về Nghệ thuật Trừu tượng (Phần 1)
Nghệ thuật Trừu tượng
Nghệ thuật Trừu tượng là một loại hình nghệ thuật phi khách quan, không miêu tả chính xác hiện thực thị giác, nhưng sử dụng hình dạng, màu sắc, cấu trúc để đạt được hiệu quả. Trừu tượng ra đời vào đầu thế kỷ XX và hoàn toàn làm rung chuyển thời đại bấy giờ.
Một số người thậm chí cho rằng nghệ thuật trừu tượng bắt đầu với các bức tranh hang động từ hàng ngàn năm trước, đặc điểm chính của nghệ thuật trừu tượng là phá vỡ rào cản nghệ thuật khỏi khuôn mẫu truyền thống.
Nghệ thuật trừu tượng đã tồn tại trong lịch sử hơn 100 năm. Các người họa sĩ đã bắt đầu tạo ra những hình tượng hóa đơn giản của thế giới "thực".
Nghệ thuật trừu tượng hiện đại mà chúng ta biết tới ngày nay có thể là do trường phái Ấn tượng, Hậu Ấn tượng và trường phái Lập thể. Cả ba phong trào này đã giúp các người họa sĩ nhận ra rằng nghệ thuật không nhất thiết cần có hình dạng gì đó cụ thể.
Tranh trừu tượng bởi Vassily Kandinsky - Thế giới bé nhỏ I (1922) & Vài hình tròn (1926)
Nghệ sĩ đầu tiên tạo ra tác phẩm trừu tượng như chúng ta biết đó là Wassily Kandinsky. Ông thường được các nhà sử học tôn vinh là “cha đẻ” của nghệ thuật trừu tượng vì đã tạo ra những bức tranh không mang tính đại diện kể từ năm 1912. Những tác phẩm của ông đã mang lại sự trừu tượng cho nước Mỹ trong Triển lãm Armory năm 1913.
Các loại hình nghệ thuật trừu tượng là gì?
-
Chủ nghĩa trừu tượng không chính thức
-
Tachisme (Trừu tượng Pháp)
-
Trừu tượng Hình học
-
Tranh trường phái Hành động
1. Chủ nghĩa trừu tượng không chính thức
Cảm xúc chiếm lấy nghệ thuật. Màu sắc và hình dạng được sử dụng một cách tự do. Ở Đức xuất hiện phong trào mang tên “Der blaue Reiter” (Hiệp sĩ xanh) với những người sáng lập là Kandinsky, Franz Marc và những người khác.
Ngựa Đỏ và Xanh - Franz (1912)
“Nghệ thuật trừu tượng, đặt màu sắc và hình dạng là biểu cảm lớn nhất của nó”.
Những họa sĩ này đi sâu vào nghiên cứu màu sắc, đạt được sự đa dạng về không gian và hình dáng trên bức tranh, thông qua các tông màu và sắc tố mà họ sử dụng. Họ muốn nó trừu tượng, nhạy cảm và giàu cảm xúc. Với hình dạng, màu sắc và đường nét, người họa sĩ được tự do thể hiện cảm xúc của mình. Các yếu tố này trong bố cục tranh phải có sự thống nhất và hài hòa, giống như một bản hòa tấu âm nhạc.
Wassily Kandinsky (1866-1944)
Một họa sĩ Nga, được nhiều nhà sử học coi là “cha đẻ của hội họa Trừu tượng”, nhưng trước khi tiếp cận tới trừu tượng, ông đã tham gia vào các phong trào nghệ thuật khác nhau như trường phái Ấn tượng và trường phái Biểu hiện.
Ông đã viết sách, vào năm 1911, về tính tâm linh trong nghệ thuật, trong đó ông tìm cách chỉ ra các biểu hiện tương đồng giữa hành động và ngôn ngữ của hình dạng và màu sắc, và vào năm 1926, ông giải thích thêm về tính xây dựng và sáng tạo trong nghệ thuật. Hàng chục tác phẩm của ông đã bị Đức Quốc xã tịch thu và một số tác phẩm trong số đó được trưng bày trong triển lãm “Nghệ thuật suy thoái”.
Franz Marc (1880-1916)
Là một họa sĩ người Đức, đam mê nghệ thuật của người nguyên thủy, trẻ em và người bệnh tâm thần, Marc đã chọn nghiên cứu động vật làm chủ đề yêu thích của mình. Khi ông gặp Kandinsky, dưới sự ảnh hưởng đó, ông đã tự thuyết phục rằng bản chất của vạn vật được bộc lộ trong trừu tượng.
Sự ngưỡng mộ đối với những người Ý theo trường phái Vị lai đã tác động mạnh mẽ cho những tác phẩm của Marc, sử dụng các hình khối và màu sắc tươi sáng đặc trưng trong trường phái Lập thể.
2. Tachisme
Tachisme hay trừu tượng Pháp xuất hiện vào thời kỳ sau Thế chiến thứ hai, ở châu Âu, với ý định phá vỡ những mô hình nghệ thuật trước đó. Tên của phong trào bắt nguồn từ tiếng Pháp là từ tache, có nghĩa là vết bẩn.
Được hình thành với tất cả sự tự do hoặc tràn đầy cảm xúc của người nghệ sĩ, các họa sĩ Tachisme thể hiện trên tác phẩm của họ với các tông màu sáng, trong trẻo và tự nhiên. Tachism kịch tính có tông màu tối, nghiêm túc, nồng nàn.
Các tác phẩm thời đó đề cao cử chỉ ngẫu hứng, bản năng của nghệ sĩ ngay trong thời điểm sáng tác. Có thể hình dung được, khi nhìn vào bức tranh, những động tác mà các họa sĩ thực hiện. Một họa sĩ quan trọng đại diện cho thể loại tranh này là Hans Hartung.
Loại hình trừu tượng này còn được gọi là trừu tượng không chính thức, theo nghĩa nó không có một hình dạng nhất định. Chất liệu thô được sử dụng cho bức tranh cũng đã được tiếp cận. Một số nghệ sĩ ưu tiên đường nét nhát cọ và những người khác nghiên cứu chất liệu, tạo ra cấu trúc, đắp lớp sơn và sử dụng chất liệu mới.
Jean Dubuffet (1901 – 1985)
Họa sĩ người Pháp, người đã lấy cảm hứng nghệ thuật từ trẻ em và những người điên rồ. Các tác phẩm của ông có hình dạng bất thường và thiết kế đơn giản.
Ông đã tìm kiếm các loại hình nghệ thuật mới và tìm thấy thứ mà ông gọi là nghệ thuật thô: được tạo ra bởi những người không thuộc môi trường nghệ thuật, những người không có tài liệu tham khảo về văn hóa và lịch sử về nghệ thuật và tìm kiếm ý tưởng và chủ đề bên trong bản thân họ, chẳng hạn như trẻ em, người điên và người cô đơn.
3. Trừu tượng hóa hình học
Nghệ thuật trừu tượng Hình học đã có rất nhiều ảnh hưởng từ các phong trào Lập thể và Vị lai. Do đó, các đường nét và màu sắc được sắp xếp theo cách dẫn đến một bố cục vuông vắn, cứng cáp. Khi khía cạnh này xuất hiện ngay sau những khám phá chính thức về chủ nghĩa Lập thể, gồm một số trào lưu đáng được nêu lên: Chủ nghĩa Siêu việt; Thuyết kiến tạo; Neoplasticism hoặc De Stijl, Concrenism, Neoconcrenism.
Piet Mondrian (1872-1944)
Nhà tiên phong người Hà Lan về nghệ thuật trừu tượng, người đã phát triển từ tranh phong cảnh đến các tác phẩm Hình học trừu tượng nhất. Những bức tranh sơn dầu của ông được vẽ từ những màu sắc cơ bản, sống động và phối hợp những đường thẳng.
Mong muốn của ông là mọi thứ cần phải rõ ràng nhất có thể, ông cho rằng các bức tranh phản ánh các quy luật toán học của vũ trụ. Không phải ngẫu nhiên mà các họa tiết của bức tranh luôn đều đặn và chính xác. Ông chuyển đến New York vào năm 1940, nơi ông bắt đầu phát triển một phong cách đầy màu sắc hơn cùng những đường kẻ màu. và nhịp điệu đảo lộn.
Xem phần 2 tại đây
Nguồn: https://lobopopart.com.br/en/abstract-art/
Biên dịch: Hưng
Biên tập: Trang Hà