Tin tức

90 năm tranh lụa Việt Nam, mấy chú giải về lịch sử. Kỳ II: Các thời kỳ và các họa sĩ (P1)

Hội họa Việt Nam, có thể nói, là một trong những nền hội họa sử dụng nhiều loại chất liệu bậc nhất trên thế giới, hầu đủ các chất liệu từ Đông sang Tây, từ cổ chí kim, từ ngoại lai đến bản địa, có cả chất liệu “kế thừa’, có cả chất liệu “tự sáng tạo”. Và, dường như ở chất liệu nào, hội họa Việt Nam cũng có những họa sĩ đặc sắc, thậm chí có một số họa sĩ chỉ cần có một hai tác phẩm ở cùng một chất liệu cũng đã đủ để có được một chỗ đứng trong lịch sử hội họa. Số các họa sĩ “toàn năng”- sử dụng thành thạo nhiều loại chất liệu, hoặc thành thạo hầu hết các chất liệu- cũng không hẳn là hiếm. Các họa sĩ như Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm chính là những họa sĩ toàn năng như thế, hầu như ở chất liệu nào họ cũng đều ít nhiều có những tác phẩm đỉnh cao.

Hẳn nhiên, người Việt Nam chúng ta không phải là những người “phát minh” ra tranh lụa. Điều này dành nói về tranh sơn mài. Nhưng trong thế kỷ 20, kỷ nguyên của nghệ thuật hiện đại, rõ ràng chúng ta đã “cấu trúc lại” tranh lụa thành những hình thái hội họa chưa từng được biết đến, không chỉ thuần túy về mặt tạo hình, mà chủ yếu bằng thế giới quan, nhân sinh quan mới, riêng biệt của người Việt Nam, trên quá trình tiếp biến văn hóa mỹ thuật với phương Tây qua cái cầu là văn hóa mỹ thuật Pháp.

Từ một điểm đồng nhất “thuần khiết” về không gian- thời gian mang tính tất nhiên, mà thực ra là ngẫu nhiên, nhờ tầm nhìn sáng suốt của một vài cá nhân, khả năng “đồng hóa” nhạy bén và tinh tường vốn có của chúng ta đã biến tranh lụa- một thứ nghệ thuật vốn được coi là cổ xưa, “trơ ì và bảo thủ”, thành một nghệ thuật tràn trề sức sống và đầy tiềm năng đã được khẳng định bằng sự liên tục của một tiến trình vắt qua hai thế kỷ.

1. Nguyễn Phan Chánh và thời kỳ đầu tiên

Hiện thân của tranh lụa thực ra chỉ là một cái màng màu (hoặc mực) mỏng manh, rất loãng vật chất. Bởi vậy, lụa rất thích hợp cho sự thể hiện cả cái nhìn từ bên ngoài vào lẫn cái nhìn từ bên trong ra, hay nói khác đi, là sự hài hòa giữa tâm và vật. Một bức tranh vẽ trên giấy chuyển sang vẽ trên lụa đã mang một phẩm giá khác hẳn, nhiều khi đồng nghĩa với việc chuyển một tư liệu thành một tác phẩm.

Chúng ta hay nói, Nguyễn Phan Chánh tham khảo tranh lụa Đường, Tống để từ đó tìm ra cách vẽ tranh lụa Việt Nam, nhưng chính xác hơn thì tranh ông thiên về cái ý vị của Tống học, tinh túy tập trung ở “tịnh lự” (Thiền). Sắc- không của Thiền nhập với vô-hữu của Lão khiến ông luôn luôn ý thức được ý nghĩa của các mảng trống. Thiền và Đạo thâm nhập vào nhau tạo nên thi vị. Ấn tượng nhận được thường mang tính chủ lý, giàu chất trí tuệ, giản dị tới mức thanh thản.

Lê Văn Đệ. Chân dung bà Ch. 1943. Lụa. Ảnh tư liệu. 

Lương Xuân Nhị. Xưởng Thêu. Khoảng 1937. Lụa. Sưu tập tư nhân

Về các bức tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh trưng bày tại Đấu xảo Paris 1931, Jean Gallotti đã viết:

“…Ở hàng đầu là ông Nguyễn Phan Chánh, tác giả của những bức tranh lụa thực sự là bậc thầy. Các bức ‘Những người hát rong’, ‘Bữa cơm’, ‘Những cô khâu đầm’, đưa ra những cảnh thực, vẽ không có nét, thành những mảng lỳ lớn, hầu như đơn sắc, với những màu xám, đen, nâu đỏ, nâu xám, tạo nên một vẻ thanh bình, làm người ta có cảm xúc rất sâu. Sự hài hòa của bố cục, đôi khi cái duyên dáng của những khuôn mặt, và luôn luôn là cái thi vị thấm đẫm của đời sống Viễn Đông, một sự lan tỏa của một tâm hồn khác với tâm hồn chúng ta, mà chúng ta thấy rất gần gũi do một sự cảm thông trong tình yêu cái đẹp, chúng ta bị bao phủ bởi một sự huyền diệu” (L’Illustration, số 4608, ngày 27/6/1931, Paris).

Rõ ràng, Nguyễn Phan Chánh đã chứng minh được rằng lụa có khả năng trở thành tiếng nói riêng của hội họa Việt Nam, và ngay từ cuối thập niên 1920 đến quá nửa thập niên 1930, nghệ thuật của ông đã đạt đến những đỉnh cao nhất. Một sự khởi đầu như thế, với một người khởi đầu như thế- quả thực là quá oanh liệt!

Thập niên 1930 đương nhiên là thời kỳ đầu tiên, và cũng có thể được xem là thời kỳ hoàng kim của tranh lụa. Ở thời kỳ này, với lụa, hầu như không có một họa sĩ nào không từng thử nghiệm.

Ngay từ khi còn đang học ở Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, Nguyễn Gia Trí đã say mê nghệ thuật vẽ tranh sơn mài, nhưng rốt cuộc ông lại tốt nghiệp bằng một tác phẩm lụa (1936). Ra trường, ông tiếp tục đi sâu vào sơn mài, và chỉ sau vài năm, đã trở thành bậc thầy sơn mài nổi tiếng nhất. Để rồi đến năm 1945, ngay sau Cách mạng Tháng Tám, tại Triển lãm Văn hóa do Hội Văn hóa Cứu quốc tổ chức tại Nhà Khai Trí Tiến Đức (Hà Nội),  thay vì một tranh sơn mài, người ta cũng lại bất ngờ được gặp “một bức lụa có mấy thiếu nữ khỏa thân, màu sắc ẩn hiện như cảnh liêu trai” của Gia Trí. Điều này phần nào cho thấy sức cám dỗ khó cưỡng của chất liệu lụa. Nó có thể đáp ứng nhu cầu biểu hiện của người họa sĩ tùy theo những cảnh trạng, những tình huống rất khác nhau.

 

Biên tập: Thu Huyền

Trích: Hà Thái Hà - Tạp Chí Mỹ Thuật 13 tháng Tám năm 2019.

http://tapchimythuat.vn/my-thuat-hien-dai-viet-nam/90-nam-tranh-lua-viet-nam-may-chu-giai-ve-lich-su-ky-ii-cac-thoi-ky-va-cac-hoa-si/

 

Viết bình luận của bạn:

Tranh vẽ theo yêu cầu. Chúng tôi nhận đặt vẽ tranh theo yêu cầu với thể loại và chất liệu đa dạng. Hãy để những bức tranh nói lên phong cách của bạn.

Tải ứng dụng ngay

Google Play App Store
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

icon icon icon