-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
9 điều một nhà sưu tập mới cần biết
Yêu thích nghệ thuật là một lẽ, nhưng quyết định trở thành một nhà sưu tập nghệ thuật lại có một chút khác biệt. Bạn có thể nhìn thấy nhiều bộ sưu tập thành công trước đó và tự hỏi làm sao để có thể đạt được như vậy. Chìa khóa của nhiều nhà sưu tập là đầu tư vào việc nghiên cứu, chuẩn bị và phát triển các kỹ năng cũng như mối quan hệ cần thiết cho công việc này.
Có một số điều bất di bất dịch trong nghề sưu tập mà hầu như nhà sưu tập nào cũng biết, chúng được tổng hợp như dưới đây.
Hiểu rõ gu thẩm mỹ của chính mình.
Hầu hết các tác phẩm nghệ thuật được mua vì người xem có phản ứng nội tại với nó. Tác phẩm nói chuyện với người mua, người mua tìm được sự đồng cảm của họ trong chính tác phẩm. Điều đó làm họ muốn nhìn ngắm và sở hữu tác phẩm. Vì thế điều đầu tiên để trở thành một nhà sưu tập thực thụ là hiểu rõ những gì mình thực sự thích. Các nhà sưu tập thường ghé thăm rất nhiều bảo tàng, hội chợ nghệ thuật, phòng tranh bao gồm cả việc xem các trang nghệ thuật trực tuyến. Trước khi quyết định mua bất cứ tác phẩm nào, các nhà sưu tập đều xác định rõ ràng chủ đề mà họ quan tâm, cách thức để mua tác phẩm và phong cách nghệ thuật mà họ yêu thích.
Biết về thị trường
Để có được một mức giá hợp lý và hiểu được những gì là có giá trị trong thế giới nghệ thuật, bạn sẽ phải nghiên cứu về thị trường nghệ thuật
Hãy bắt đầu bằng việc xem các danh mục đấu giá, các trang web trưng bày các tác phẩm hoặc tìm đến một số nhà môi giới nghệ thuật mà bạn tin tưởng vào sự uy tín và hiểu biết của họ. Bạn có thể ghé thăm một vài nhà sưu tập khác để xem những gì họ đang mua. Một giao dịch khi bạn đã có đầy đủ thông tin là một giao dịch tốt nhất.
Xây dựng mối quan hệ
Việc có quan hệ trong ngành nghệ thuật là vô cùng quan trọng. Nhà sưu tập thường xây dựng mối quan hệ thường xuyên với các gallery, nhà môi giới nghệ thuật và các giám tuyển. Điều này giúp họ luôn cập nhật thông tin về nghệ sĩ và các xu hướng mới.
Một cách khác để xây dựng mối quan hệ trong giới là tài trợ nghệ thuật. Lịch sử nghệ thuật đã tồn tại nhiều thế kỷ việc các nhà sưu tập lớn chính là người bảo trợ cho nghệ sĩ. Ngay cả khi bạn không phải là một triệu phú thì vẫn có thể hỗ trợ cho các dự án nghệ thuật phát triển. Bởi càng tham gia vào thế giới nghệ thuật, nhà sưu tập càng có khả năng mở rộng quan hệ của mình trong thế giới ấy và mở rộng con đường tìm đến với những tác phẩm tốt.
Đặt ngân sách
Một vài nhà sưu tập có kinh nghiệm đưa ra những lời khuyên như sau: gallery cao cấp có thể tính phí nhiều hơn các gallery mới thành lập. Các tác phẩm được bán qua đấu giá đã được mua đi bán lại nhiều lần sẽ không có giá tốt như mua trực tiếp của nghệ sĩ. Các yếu tố ảnh hưởng đến giá cả là độ hiếm của tác phẩm, bối cảnh nghệ sĩ tạo nên tác phẩm và độ nổi tiếng của nghệ sĩ.
Khi đặt ngân sách cho tác phẩm, bạn cũng đừng quên các chi phí khác như bảo hiểm cho tác phẩm, phí vận chuyển, đóng khung và môi giới phí cho nhà môi giới hay nhà đấu giá.
Xem xét việc tìm một cố vấn nghệ thuật
Một cố vấn nghệ thuật có thể giúp nhà sưu tập mới có được kiến thức, mối quan hệ, kinh nghiệm trong ngành và hơn hết là những lời khuyên cho việc sưu tầm.
Khi tìm đến một cố vấn nghệ thuật, nhà sưu tập mới cần hỏi họ về cách tính phí cố vấn. Có những nhà cố vấn sẽ tính phí theo thời gian hoặc lấy trực tiếp hoa hồng trên những bức tranh mà bạn chọn. Một số nhà tư vấn có các mức phí khác nhau cho các dịch vụ khác nhau.
Hãy dấn thân
Một buổi đấu giá khi bạn chưa tham gia lần nào có thể hơi đáng sợ, vì vậy trước khi bạn thực sự trả giá, bạn có thể tham dự một số phiên đấu giá nghệ thuật như một lần thử để có được sự thoải mái hơn với môi trường và quy trình đấu giá. Sau vài lần, bạn sẽ cảm thấy tự tin hơn và trả giá khi bạn đã sẵn sàng.
Ảnh Gallery of Grand Rapids Art Museum
Tiếp cận trước khi mua
Mặc dù việc yêu thích một tác phẩm nào đó rất quan trọng nhưng bạn cũng nên kiểm tra lại một số điều trước khi quyết tâm mua.
Hãy đào sâu thêm tìm hiểu về nghệ sĩ, bao gồm danh tiếng và những gì đã đạt được của anh ấy hoặc cô ấy. Nói chuyện với một chuyên gia (nhà tư vấn nghệ thuật, nhà môi giới nghệ thuật, giám tuyển) để khẳng định rằng giá của tác phẩm là hợp lý. Hãy chậm lại một chút và suy nghĩ liệu đây sẽ là một tình yêu vĩnh cửu hay chỉ là một sự cảm nắng tạm thời. Điều quan trọng hơn là nó có phù hợp với những mảnh ghép còn lại của bộ sưu tập không. Nếu câu trả lời đều là có, thì bạn có thể tự tin đến với việc sở hữu tác phẩm.
Yêu cầu gallery giảm giá lần đầu
Các gallery thường giảm giá tác phẩm cho một nhà sưu tập mua lần đầu để phát triển mối quan hệ với nhà sưu tập. Vì vậy bạn hãy hỏi gallery nếu đây là lần đầu tiên mua tại gallery đó.
Kiểm tra tài liệu đi kèm theo tác phẩm.
Khi mua một tác phẩm, bạn cần phải nhận được giấy chứng nhận tính xác thực của tác phẩm và xuất xứ của nó. Tài liệu xuất xứ tác phẩm ghi lại lịch sử quyền sở hữu của một tác phẩm. Thông tin này rất quan trọng để chứng minh tính xác thực của tác phẩm, làm tăng giá trị và mang lại ý nghĩa cho cuộc đời của tác phẩm. Các tài liệu này cũng phải được giữ an toàn và bảo mật để tránh làm giả, và có các bản sao để phòng ngừa rủi ro.