Tin tức

5 điều có thể bạn chưa biết về vụ trộm nghệ thuật lớn nhất trong lịch sử (Phần 1)

Hầu hết các phòng trưng bày nghệ thuật và bảo tàng nghệ thuật đều nổi tiếng về những tác phẩm nghệ thuật mà những nơi này đang lưu giữ. Phòng trưng bày Quốc gia London có bức “Sunflowers” (Hoa hướng dương) của Van Gogh; Trong khi đó, “The Starry Night” (Đêm đầy sao) được trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại ở New York, cùng với những chiếc đồng hồ tan chảy của Salvador Dalì, những lon súp của Andy Warhol và bức chân dung tự họa của Frida Kahlo.

Tuy nhiên, Bảo tàng Isabella Stewart Gardner ở Boston hiện được biết đến nhiều hơn với những tác phẩm nghệ thuật còn không có ở đó, hoặc ít nhất là không còn ở đó. 

Chiếc khung trống từng là nơi chứa bức tranh "The Storm on the Sea of Galilee" 

(Cơn bão trên biển hồ Galilee) của Rembrandt trước khi bị đánh cắp trong một vụ trộm nghệ thuật bí ẩn vẫn chưa tìm được lời giải. Ảnh: John Tlumacki/Getty/CNN

Vào ngày 18 tháng 3 năm 1990, bảo tàng trở thành nạn nhân của vụ cướp nghệ thuật lớn nhất trong lịch sử. Mười ba tác phẩm nghệ thuật ước tính trị giá hơn nửa tỷ đô la - trong đó có ba bức của Rembrandts và một bức của Vermeer - đã bị đánh cắp vào lúc nửa đêm, trong khi hai nhân viên bảo vệ ngồi dưới tầng hầm bị trói bằng băng keo.

Một tập mới của chương trình “How It Really Happened” (Chuyện đó thực hư như thế nào) của CNN phát sóng vào trung tuần tháng 5 đã có một cuộc phỏng vấn với một trong những người bảo vệ đó: Rick Abath, người đã trả lời phỏng vấn duy nhất trên truyền hình là trên kênh CNN vào năm 2013, và đã qua đời vào tháng 2 năm 2024 ở tuổi 57.

Vụ cướp là một kho tàng chứa đựng những sự thật bất ngờ và những tình tiết vô cùng khó tin. Dưới đây là năm điều khiến Bảo tàng Isabella Stewart Gardner và vụ trộm nổi tiếng ở đó trở nên thú vị.

1. Người phụ nữ chủ nhân của tòa nhà

Isabella Stewart Gardner, người sáng lập và trùng tên với bảo tàng, là một nhân vật hấp dẫn. Là con gái của một doanh nhân thành đạt và góa phụ cũng của một doanh nhân thành đạt, Gardner là một nhà từ thiện và nhà sưu tập nghệ thuật, người đã xây dựng bảo tàng để cất giấu kho báu của mình.

Nhà từ thiện và nhà hoạt động vì quyền phụ nữ thời kỳ đầu Isabella Stewart Gardner đã xây dựng bảo tàng vào cửa miễn phí ở Boston để lưu giữ bộ sưu tập nghệ thuật cá nhân của mình. Ảnh: Bảo tàng Isabella Stewart Gardner, Boston

Stephan Kurkjian, tác giả cuốn sách “Master Thieves: The Boston Gangsters Who Pulled Off the World's Greatest Art Heist” (Những tên siêu trộm: Nhóm giang hồ ở Boston đã thực hiện thành công phi vụ trộm cắp nghệ thuật hoành tráng nhất thế giới) cho biết: “Khi mở bảo tàng vào năm 1903, bà đã yêu cầu bảo tàng mở cửa miễn phí với hi vọng tất cả người dân Boston sẽ tới tham quan và yêu quý nơi này”. Tác giả tiếp tục trao đổi với CNN: “Bảo tàng của Gardner, vào thời điểm đó, là bộ sưu tập nghệ thuật lớn nhất của một cá nhân ở Mỹ.”

Gardner cũng có liên quan với một chiến dịch non trẻ vì quyền chính trị của phụ nữ. Bảo tàng trưng bày những bức ảnh và thư của người bạn Julia Ward Howe, người tổ chức hai hiệp hội bầu cử ở Hoa Kỳ, và một bản in của Ethel Smyth, một nhà soạn nhạc và là bạn thân của nhà lãnh đạo Suffragette người Anh Emmeline Pankhurst.

Gardner gặp Smyth thông qua người bạn chung của họ, họa sĩ John Singer Sargent, người có bức chân dung Gardner nhướn lông mày vì đường viền cổ áo khoét sâu mà hoạ sĩ dành tặng cho Gardner.

Gardner dường như thích bông đùa với những vụ bê bối và tin đồn: Gardner từng đến một buổi biểu diễn của Dàn nhạc Giao hưởng Boston trong một chiếc mũ đội đầu có in tên đội bóng chày yêu thích của cô ấy, Red Sox, và một hình minh họa trong ấn bản tháng 1 năm 1897 của tờ Boston Globe cho thấy Gardner dường như đang dắt một trong những con sư tử của Sở thú Boston đi dạo.

Trớ trêu thay, khi bức Mona Lisa bị đánh cắp vào năm 1911, Gardner đã nói với những người bảo vệ bảo tàng của mình rằng, nếu họ nhìn thấy bất cứ ai cố gắng cướp đi những bức tranh quý giá, họ nên bắn chết những tên trộm đó.

2. Bức tranh bị bỏ lại

Ước tính tài sản mà bọn trộm đem đi có trị giá hơn nửa tỷ USD. Tuy nhiên, những kẻ trộm đã để lại hiện vật đắt giá nhất của tòa nhà: “The Rape of Europa” (Vụ cưỡng hiếp Europa) của Titian, mà Gardner đã mua từ một phòng trưng bày nghệ thuật ở London vào năm 1896, khi đó là mức giá kỷ lục cho một bức tranh bậc thầy cũ.

Bức tranh “The Rape of Europa”, được đặt trong Phòng tưởng nhớ hoạ sĩ Titian của Bảo tàng Isabella Stewart Gardner ở Boston, được cho là tác phẩm có giá trị nhất của bảo tàng, tuy nhiên bức tranh đã bị bọn trộm bỏ lại. Ảnh: Sean Dungan/Bảo tàng Isabella Stewart Gardner

Tại sao bọn trộm lại thực hiện vụ cướp tác phẩm nghệ thuật vĩ đại nhất trong lịch sử và ra đi mà không có tác phẩm đắt giá nhất trong bảo tàng? Vâng, kích thước của bức tranh này có thể là nguyên nhân. Tác phẩm nghệ thuật lớn nhất bị đem đi là “Christ in the Storm on the Sea of Galilee” (Chúa Kitô trong cơn bão trên biển hồ Galilee) của Rembrandt, nổi tiếng vì là bức tranh cảnh biển duy nhất của Rembrandt và có kích thước khoảng 5x4 feet. Trong khi đó, “The Rape of Europa” lại lớn hơn, với kích thước gần 6x7 feet.

Xem thêm phần 2 tại đây

 

Nguồn: https://edition.cnn.com/2024/05/19/style/isabella-gardner-heist-facts/index.html

Biên dịch: Huyền Trịnh

Viết bình luận của bạn:

Tranh vẽ theo yêu cầu. Chúng tôi nhận đặt vẽ tranh theo yêu cầu với thể loại và chất liệu đa dạng. Hãy để những bức tranh nói lên phong cách của bạn.

Tải ứng dụng ngay

Google Play App Store
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

icon icon icon