Tin tức

3 câu hỏi cần thiết để đánh giá nghệ thuật

Làm thế nào để bạn có thể đánh giá, kiểm định chất lượng của một tác phẩm nghệ thuật. Những yếu tố nào quyết định giá trị của một bức tranh? Chi tiết, màu sắc nào khiến bạn thích hay không thích tác phẩm đó?... Chắc chắn sẽ có rất nhiều câu hỏi được đặt ra khi bạn đứng trước một tác phẩm. Những yếu tố tạo nên bức tranh như: chất liệu, phong cách, bố cục, màu sắc, ý nghĩa, biểu tượng,… và từ đó sẽ tạo nên một cuộc trao đổi, thảo luận sôi nổi về nghệ thuật. Nếu như mọi người chỉ tập trung soi xét về kỹ thuật, thiết kế thì chủ đề này sẽ trở nên nhàm chán và không đi sâu vào cốt lõi tại sao bức tranh đó lại tạo được cảm xúc cho người xem. Chính vì vậy, chúng tôi đã đưa ra ba câu hỏi dưới đây để giúp bạn dễ dàng hiểu được các giá trị mà bức tranh đem lại. Bài viết này sẽ giới thiệu ba điều đơn giản để khuyến khích các họa sĩ trẻ nghiên cứu sâu hơn về hội họa. Từ việc nghiên cứu đó sẽ tạo ra những cuộc trao đổi về ý tưởng, cách thức và lý do tại sao chúng ta xem xét, phản hồi và đánh giá một tác phẩm nghệ thuật

(Tranh màu nước "Loài săn mồi"- Họa sĩ Nguyễn Văn Trinh)

1. Bức tranh đó đã thu hút bạn ở điểm gì? 

Ví dụ như: Chi tiết, màu sắc, ý nghĩa, chuyển động, chất liệu, hoạ tiết, trang trí, cử chỉ, hình ảnh, sự lặp lại, cảm xúc, phác thảo và đường nét,...

2. Bạn có giành nhiều thời gian để xem nó hay không? Ngoài ấn tượng ban đầu, bức tranh còn có điểm gì khiến bạn để ý?

Ví dụ như: Bí ẩn, thơ ca, tầng nghĩa ẩn giấu, một câu đố, một câu chuyện, sử dụng sáng tạo vật liệu hoặc cấu trúc, bề mặt, thiết kế, quá trình sáng tác, kỹ năng và thực hiện khéo léo, sự tương phản tối và sáng, sự sáng tạo,...

3. Tác phẩm có mở ra cho bạn những góc nhìn, những luồng tư tưởng mới hay không?

Ví dụ như: Bất cứ điều gì nói lên giấc mơ, thời gian, ký ức, kết nối, kết thúc mở, giải thích về cuộc đấu tranh cá nhân, cứu chuộc, minh oan, tình yêu, mất mát, thiện/ác, hy vọng, bài học cuộc sống, kinh nghiệm, cảm hứng, trí tưởng tượng,...

Sau đây là một vài ví dụ cụ thể:

Tác phẩm sắp đặt của Ryoko Aoki tại Armory, thành phố New York

Chúng tôi đã bị thu hút bởi tác phẩm này ngay từ lần đầu tiên nhìn thấy nó. Các chủ thể chính được miêu tả bằng cách dệt và thêu trên bề mặt, đồng thời cũng có nhiều khoảng trắng xung quanh và các hình khối được đan xen rất hài hòa. Khi tìm hiểu kỹ hơn về nó, tôi lại càng yêu thích hoạ tiết tinh xảo, sự sắp xếp khéo léo của chúng khi được đặt cạnh nhau và các chi tiết liên quan đến các bản vẽ nhà cửa, đồ thủ công,… Bất chấp đám đông, tác phẩm toát lên năng lượng tĩnh lặng bao chùm cả không gian. Mặc dù đã đi xem tác phẩm này rất nhiều lần, nhưng chúng tôi vẫn luôn không thể rời mắt khỏi nó.

Tác phẩm cắt giấy của Gustavo Diaz tại Armory, thành phố New York

Chúng tôi rất vui khi tìm ra tác phẩm tuyệt vời này, chính vì những chi tiết nhỏ bé và tính chất độc đáo của nó đã khiến chúng tôi phải xem rất kĩ. Các mảnh ghép khi nhìn từ mọi góc độ đều có thể khiến người xem thích thú thưởng thức các chi tiết ấy. Người xem đã phải cố gắng tìm ra sự cấu tạo của các mảnh ghép này và cách chúng gắn kết với nhau một cách tinh tế đến mức kỳ cục. Tác phẩm này làm tôi nhớ tới một vài thành phố được mô tả trong cuốn sách "Những thành phố vô hình của Italo Calvino". Và có lẽ tương tự như trong cuốn sách, tôi tự hỏi rằng sẽ như thế nào khi sống trong những thành phố “giấy” này. Tôi bắt đầu tưởng tượng ra những con người nhỏ bé, xe cộ, cây cối,… sinh động và đầy sức sống. Mặc dù vậy, tôi vẫn cảm thấy có điều gì đó ẩn sau thành phố này, những ấn tượng đầu chỉ mang tính chất tương đối, và điều đó lại càng khiến tôi tò mò, thôi thúc tôi tìm hiểu nhiều hơn về tác phẩm này.

Các quỹ đạo bị vướng mắc của Tomas Saraceno tại Bảo tàng Nghệ thuật Baltimore

Có lẽ đây là tác phẩm mà tôi yêu thích nhất cho đến nay, bởi vì nó đầy ắp sự kịch tính, độc đáo. Lấy bối cảnh trong một căn phòng cực kỳ tối, buộc người xem phải ngay lập tức rẽ vào một góc khi bước vào, sẽ hơi mất phương hướng và mắt tôi phải mất một lúc để điều chỉnh. Và trong căn phòng tối ấy, nghệ sĩ đã sắp đặt những ngọn đèn được bao phủ bởi mạng nhện. Tôi ấn tượng đến mức tôi đã phải chạy lại và xác minh xem chúng có thật không. Bạn cũng sẽ giống như tôi, bị mê mẩn bởi sự khác lạ này và bạn sẽ mất một chút thời gian để biết mạng nhện được làm từ dây. Một lần nữa, ý nghĩ về việc con người tái tạo thiên nhiên và có khả năng làm điều đó khá tốt khiến tôi khá buồn. Nhưng đồng thời ý nghĩ này dấy lên sự tò mò trong tôi.

Chúng tôi hy vọng bài viết này sẽ hữu ích cho bạn. Và chúng tôi rất mong nhận được những nhận xét, câu hỏi và đề xuất của bạn cho bài viết của chúng tôi. Hãy cho chúng tôi biết nếu bạn đã áp dụng câu hỏi này khi đến một phòng trưng bày, bảo tàng, gallery để xem tranh và đối với bạn liệu nó thật sự hữu ích và hiệu quả hay không?

Nguồn:https://lorraineglessner.wordpress.com/2018/05/15/3-essential-art-evaluation-questions/ 

Biên dịch: Trang Hà 

Biên tập: Ahndoar

Viết bình luận của bạn:

Tranh vẽ theo yêu cầu. Chúng tôi nhận đặt vẽ tranh theo yêu cầu với thể loại và chất liệu đa dạng. Hãy để những bức tranh nói lên phong cách của bạn.

Tải ứng dụng ngay

Google Play App Store
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

icon icon icon