-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
“When We See Us” (Khi chúng ta nhìn thấy chúng ta): Bảo tàng Thụy Sĩ trưng bày 100 năm hội họa tượng hình của người da màu
Một cuộc triển lãm đầy tham vọng, trưng bày cách các hoạ sĩ miêu tả niềm vui hàng ngày của người da màu trong hội họa trong suốt hơn 100 năm, đã đi từ Nam Phi đến Thụy Sĩ.
Nghệ thuật châu Phi hiện đang trải qua thời kỳ Phục hưng ở châu Âu.
Cuối cùng, các bảo tàng lớn, hội chợ nghệ thuật và các bộ sưu tập tư nhân trên khắp lục địa đang bắt đầu đón nhận các tác phẩm của các hoạ sĩ gốc Phi và các hoạ sĩ có quốc tịch châu Phi nồng nhiệt hơn bao giờ hết.
Ở London, làn sóng văn hóa này đã dâng cao một cách ngoạn mục. Vào năm 2024, đã có một số cuộc triển lãm lớn tôn vinh sự sáng tạo của người châu Phi, chẳng hạn như triển lãm “The Time is Always Now” (Hiện Tại Chính Là Lúc) tại Phòng trưng bày National Portrait, nơi khám phá những chân dung đương đại về các nhân vật da đen, cho đến buổi trưng bày các bức tượng thuộc địa lịch sử của Yinka Shonibare tại Phòng trưng bày Serpentine. Để niềm vui này to lớn hơn, Tate Modern vừa công bố triển lãm “Nigerian Modernism” (Chủ nghĩa Hiện đại Nigeria) sẽ diễn ra vào năm 2025.
Cách xa Vương quốc Anh, một trong những triển lãm mới nhất chuẩn bị đến Châu Âu là “When We See Us” (Khi chúng ta nhìn thấy chúng ta), ban đầu được lên ý tưởng và thực hiện bởi Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Zeitz Châu Phi, Cape Town, và tạm thời đang dừng chân tại Kunstmuseum ở Basel, Thụy Sĩ.
Bức tranh “Sundials and Sonnets” (Đồng hồ mặt trời và bài sonnet) của Wangari Mathenge (2019). Ảnh: Pascale M. Thomas và Tayo E. Famakinwa
Đây là cuộc triển lãm hoành tráng đầu tiên thuộc loại này, quy tụ 100 năm hội họa tượng hình của người da đen để tôn vinh bản chất đa diện của những trải nghiệm của người da đen trên toàn cầu, cả từ lục địa Châu Phi và cộng đồng hải ngoại rộng lớn ngoài lục địa đen.
Hầu hết trong số hơn 150 tác phẩm được trưng bày được tạo ra bởi cả những tài năng nổi bật và mới nổi trong nền nghệ thuật châu Phi, chưa bao giờ được nhìn thấy ở Thụy Sĩ, cũng như chưa từng được trưng bày với quy mô như vậy ở châu Âu.
Daniel Kurjakovic, người đã giúp sắp đặt triển lãm cho Kunstmuseum Basel, nói với Euronews Culture: “Triển lãm lần này có thể coi là một bức tranh toàn cảnh trải dài 100 năm của hội họa Liên Phi, bắt đầu từ khoảng năm 1922 đến nay. Có khoảng 120 nghệ sĩ thuộc nhiều thế hệ khác nhau, đại diện cho nhiều phong cách, hình thức và thể loại khác nhau nhưng luôn bắt nguồn từ phương tiện tượng hình của người da màu.”
Một góc nhìn bên trong của triển lãm “When We See Us” tại Kunstmuseum Basel. Ảnh: Julian Salinas
Thay đổi quan điểm về trải nghiệm của người da màu
Tiêu đề của triển lãm, lấy cảm hứng từ sê-ri mini có ý nghĩa vô cùng sâu sắc năm 2019 của Ava DuVernay tựa đề “Khi họ nhìn thấy chúng tôi”, đã được chuyển "họ" thành "chúng tôi", biểu thị sự đảo ngược của cái nhìn. Ở đây, quan điểm của các hoạ sĩ và chủ đề chiếm vị trí trung tâm, tránh xa sự xuyên tạc thường xuyên về cuộc sống của người da đen thông qua những câu chuyện bị đơn giản hóa và xuyên tạc quá mức.
Các cuộc triển lãm trên toàn cầu thường khám phá người da màu qua lăng kính chấn thương, bạo lực và di sản thuộc địa. Thay vào đó, các giảm tuyển của triển lãm “When We See Us” Koyo Kouoh và Tandazani Dhlakama quyết định tập trung vào cuộc sống hàng ngày và "sức mạnh của niềm vui đen".
Như Kurjakovic nói, "Ở đây, những người giám tuyển da đen, các chủ thể da đen, nhìn về phía nhau, nhìn về phía chính mình, để cố gắng tiếp thu một quan niệm tích cực hơn về tính chủ quan của người da màu."
Bức tranh “The Card Game” (Trò chơi bài) của Jacob Lawrence (1953). Ảnh: Bảo tàng nghệ thuật SCAD/Món quà của Tiến sĩ Walter O. Evans và bà Linda J. Evans
Triển lãm được tổ chức xoay quanh sáu chủ đề - Cuộc sống hàng ngày, Niềm vui và Sự vui chơi, Sự nghỉ ngơi, Nhục dục, Tâm linh, Chiến thắng và Giải phóng - thay vì tuân theo sự phân loại theo trình tự thời gian hoặc địa lý. Thông qua những chủ đề này, triển lãm “When We See Us” tôn vinh niềm vui của người da màu dưới mọi hình thức thông thường của cuộc sống”.
Người ta thấy những nhân vật da đen đang tận hưởng những thú vui giản dị của cuộc sống, chẳng hạn như một cặp vợ chồng trẻ ngồi trong rạp chiếu phim, như trong “The Audience” (1960) của George Pemba, hoặc một nhóm chơi bài, như trong “The Card Game” (1953) của Jacob Lawrence.
“The Birthday Party” (2020) của Esiri Erherien-Essi mang đến một miêu tả vô cùng sâu sắc về nhà hoạt động Nam Phi Steve Biko, trong một khoảnh khắc ăn mừng thân mật. Bất chấp kết cục bi thảm của cuộc đời Biko - ông là nhân vật chủ chốt trong Phong trào Ý thức Người Da Đen và bị các nhân viên an ninh nhà nước đánh đến khi qua đời vào năm 1977 - bức tranh của Erheriene-Essi đã khiến ông bất tử một cách nổi bật trong khoảnh khắc của niềm vui và sự kết nối thuần khiết, được bao quanh bởi những người thân yêu .
Có những cái tên nổi bật trong chương trình sẽ được nhiều du khách nhận ra, bao gồm Njideka Akunyili Crosby, Jacob Lawrence, Amy Sherald và Michael Armitage, tuy nhiên, phần lớn sức hấp dẫn của triển lãm nằm ở việc khám phá những nghệ sĩ ít được biết đến hơn trong quá khứ và những ngôi sao đang lên trong nghệ thuật đương đại.
“At the clinic” (Tại phòng khám) của George Pemba (1979). Ảnh: Bộ sưu tập của Quỹ Norval
Triển lãm rất lớn và người xem có thể dễ dàng dành cả ngày để chiêm ngưỡng những bức tranh sống động và giàu tính văn hóa trải khắp ba tầng của tòa nhà Gegenwert của Kunstmuseum Basel. Khi bạn tham dự triển lãm, hãy lấy cuốn sách nhỏ ở lối vào bảo tàng - cuốn sách sẽ làm sáng tỏ câu chuyện đằng sau các tác phẩm nghệ thuật và cuộc trò chuyện giữa chính những tác phẩm nghệ thuật ấy.
Ngay từ khi bước vào bên trong, bạn sẽ được chào đón bằng những hình ảnh mạnh mẽ về sự thách thức và niềm tự hào trong phần “Triumph and Emancipation”, tạo nên giai điệu hoàn hảo cho cuộc hành trình phía trước. Bức “Revolution Obama” hào hứng của Cheri Cherin (2009) là một tác phẩm nổi bật ở khu vực này, miêu tả Tổng thống Barack Obama và Đệ nhất phu nhân Michelle Obama trong buổi tôn vinh sự xuất sắc của người da màu, được bao quanh bởi các nhân vật lịch sử có tầm ảnh hưởng khác như Nelson Mandela và Martin Luther King Jr.
Khi bạn khám phá không gian triển lãm rộng lớn, những trải nghiệm nghệ thuật sẽ còn được nâng tầm nhờ nhạc nền vô cùng lãng mạn (do nhà soạn nhạc và nghệ sĩ âm thanh Neo Muyanga phụ trách) giúp thổi sức sống vào các bức tranh.
Mặc dù vẫn còn nhiều tiến bộ cần phải đạt được trong việc thể hiện và đánh giá cao nghệ thuật Châu Phi, cuộc triển lãm này là một ví dụ điển hình khác cho thấy mọi thứ đang đi đúng hướng.
Kéo dài đến ngày 27 tháng 10 năm 2024, triển lãm “When We See Us” rất đáng để ghé thăm.
Biên dịch: Huyền Trịnh