VN | EN

Tin tức

Tranh sơn mài của hoạ sĩ Triệu Khắc Tiến

Triệu Khắc Tiến – tiến sỹ chuyên ngành về nghệ thuật sơn mài duy nhất tại Việt Nam vào thời điểm hiện tại. Ông mong muốn chuẩn hóa các kỹ thuật sơn ta, nhằm tăng độ bền và mở rộng biên độ chất liệu. Ông là đại diện của Việt Nam trong hầu hết các hội thảo về sơn mài quốc tế. 

1977: Triệu Khắc Tiến sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Cha của ông là nghệ sỹ ưu tú Triệu Khắc Lễ, từng là hiệu trưởng của trường Cao đẳng sư phạm nhạc họa Trung Ương, tiền thân của trường Đại học sư phạm nghệ thuật Trung Ương ngày nay. Sớm phát hiện Tiến có năng khiếu hội họa, ông Lễ bắt đầu dạy cho Tiến vẽ từ những năm Tiến mới lên 4 tuổi. 

1981: 4 tuổi, một trong các bức tranh của ông đã được sưu tập bởi Viện bảo tàng mỹ thuật Việt Nam. 

1984: 7 tuổi, bức tranh đầu tiên gửi đi triển lãm thiếu nhi quốc tế “Để mãi mãi màu xanh” do bộ văn hóa tổ chức tại Nhà triển lãm 93 Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) đoạt cùng lúc huy chương vàng và giải đặc biệt. Ông Tiến tiếp tục đoạt huy chương vàng của triển lãm này vào năm 1986.

1986-1988: 9 tuổi, Triệu Khắc Tiến nằm trong đội tuyển năng khiếu mỹ thuật thủ đô của Cung thiếu nhi Hà Nội. Đội tuyển năng khiếu có khoảng từ 5-15 người, và tranh gửi đi các triển lãm quốc gia và quốc tế. Lúc đó Cung văn hóa thiếu nhi Hà Nội lần đầu tiên tổ chức triển lãm cá nhận cho một thiếu nhi và đó cũng là triển lãm cá nhân đầu tiên của Triệu Khắc Tiến.

1987: 10 tuổi, Triệu Khắc Tiến tham gia trại hè thiếu nhi quốc tế tại Mông Cổ. Trong thời gian trại hè, học viên tham gia vẽ tranh trên mặt đất và Tiến tiếp tục nhận 2 huy chương vàng quốc tế cho những bức tranh của mình. 

1988: 11 tuổi, ông đoạt Huy chương bạc của Cuộc thi Hội họa Trẻ em Quốc tế Shankar. Một cuộc thi giải thưởng của tổng thống Ấn Độ. 

1994: Triệu Khắc Tiến thi đỗ vào trường Đại học mỹ thuật Hà Nội, khoa hội họa khóa K38. Lúc đó thi vào trường mỹ thuật rất khó, trường chỉ tuyển có 25 sinh viên mỹ thuật, dù có thời điểm người ứng tuyển lên đến 800-1000 người. 

1997: Thân sinh ông Tiến – họa sỹ Triệu Khắc Lễ triển lãm sơn mài. Có nhiều họa sỹ và nghệ nhân thường lui tới xưởng ông Lễ trong thời gian này. Triệu Khắc Tiến xin đến xưởng của các họa sỹ này để tự xin học thêm. Cũng chính vì sự chủ động tìm tòi này, Triệu Khắc Tiến đã không ngừng nghiên cứu chất liệu sơn mài kể từ lúc đó. 

Trường mỹ thuật vào những năm này không có chuyên khoa sơn mài, vì vậy người học không nắm được toàn bộ quy trình làm sơn mài từ các kiến thức nền như làm vóc, đánh sơn…là một trong những yếu tố tạo nên sự hiểu biết sâu đối với kỹ thuật sơn mài. 

1999: Bức tranh sơn mài “Phiên chợ vùng cao” của Triệu Khắc Tiến đoạt giải nhất triển lãm sinh viên do trường Đại học mỹ thuật Việt Nam tổ chức. 

2000: Ông Tiến được giữ lại trường làm giảng viên khoa Hội Họa. Ông vừa làm giảng viên, vừa nghiên cứu sáng tác, chủ yếu tìm hiểu về các phương pháp tạo chất mới cho sơn mài, và nghiên cứu sâu về các hòa sắc lạnh, vốn không phải là thế mạnh của sơn mài truyền thống Việt Nam. Nhu cầu khám phá nhiều hơn thúc đẩy họa sỹ tiếp tục học lên cao học tài trường. 

Năm 2000 trường mỹ thuật Việt Nam cử Triệu Khắc Tiến sang tham dự Triển lãm giao lưu mỹ thuật đương đại Việt Nam - Thái Lan và Nhật Bản tổ chức tại thành phố Funabashi – Nhật Bản. Đó là lần đầu tiên ông tiếp xúc với nghệ thuật sơn mài Nhật Bản, và chứng kiến một hệ thống sơn mài được trình bày bài bản về mặt kỹ thuật, cách người Nhật bảo tồn phát triển học thuật trên lĩnh vực sơn mài qua các thời kỳ lịch sử. Điều này có tác động lớn lên họa sỹ vào 10 năm sau, Triệu Khắc Tiến quay lại Nhật và tìm kiếm thông tin cho khóa học tiến sỹ của mình. 

2004-2007: Tiến học cao học mỹ thuật tạo hình, chuyên nghành hội họa tại trường mỹ thuật Việt Nam. Thời gian này Triệu Khắc Tiến tiếp tục nghiên cứu sâu trên chất liệu sơn mài.

2008-2010: Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản mời Triệu Khắc Tiến dưới tư cách là chuyên gia về nghệ thuật. Đây là lần thứ 2 ông Tiến sang Nhật và tìm kiếm thông tin về khóa học tiến sỹ, do nhu cầu mong muốn đào sâu về nghề và tìm hiểu hệ thống kỹ thuật và thủ pháp thể hiện của sơn mài trên thế giới (bao gồm cả Nhật Bản, Đài Loan và Trung Quốc). 

Tại thời điểm đó, Việt Nam chưa hề có tiến sỹ mỹ thuật về thực hành, và Triệu Khắc Tiến sau này là người đầu tiên. 

2011: Một trong những người có ảnh hưởng đến Triệu Khắc Tiến là giáo sư Arisumi MITAMURA. Ông này là giáo sư trưởng khoa sơn mài tại Đại học nghệ thuật Tokyo (Geidai) – một trường đầu bảng về đào tạo nghệ thuật tại Nhật Bản. Đây là một họa sỹ kế thừa đời thứ 10 của một hệ phái sơn mài dòng Mackie từ thời Edo. Mỗi một thế hệ sơn mài kế tiếp trong dòng họ này đều phát triển sơn mài trong việc nghiên cứu mở rộng biên độ chất liệu theo một hướng mới.

Giáo sư Mitamura nhân một lần đi điền dã tại 30 trường nghệ thuật hàng đầu châu Á, mời các đại diện tiêu biểu của các trường này tham gia triển lãm Geidai Arts Summit 2012 nhân kỷ niệm 125 năm ngày thành lập trường Geidai, đã trực tiếp gặp gỡ Triệu Khắc Tiến tại Việt Nam.

Sau này ông Mitamura là người tiến cử họa sỹ Triệu Khắc Tiến học tiến sỹ tại Geidai. Điều đặc biệt là tại trường mỹ thuật đứng đầu Nhật bản này, họa sỹ chỉ có thể học tiến sỹ thông qua việc được tiến cử. Ông cũng là người trực tiếp truyền dạy cho 3 người học trò, trong đó có Triệu Khắc Tiến. 

2013-2017: Triệu Khắc Tiến làm nghiên cứu sinh và học lên tiến sỹ mỹ thuật tại Đại học nghệ thuật Tokyo (Geidai) theo chương trình học bổng 911 của chính phủ Việt Nam. 

2017: Triệu Khắc Tiến trở về nước và cùng các đồng nghiệp, cộng tác với họa sỹ Nguyễn Đình Bảng – chuyên gia về sơn ta, bắt đầu xây dựng hệ thống kỹ thuật cơ bản và nâng cao của chuyên nghành tranh sơn mài, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam.

Ông Tiến cùng với các học trò ruột của mình – hoạ sĩ Nguyễn Hữu Thông, Vũ Văn Tịch và Nguyễn Thuý Nguyệt… tiếp tục cải tiến và nghiên cứu các kỹ thuật tạo chất và thủ pháp thể hiện mới cho tranh sơn mài.

2022: Quỹ giao lưu văn hóa Nhật Bản (The Japan Foundation) - một quỹ đã từng mời rất nhiều nghệ sỹ nổi danh trên thế giới, tổ chức triển lãm cá nhân giới thiệu họa sỹ Triệu Khắc Tiến mang tên “Câu chuyện phương đông” cùng các bức tranh sáng tác trên chất liệu sơn ta tại trung tâm này. 

2023: Triệu Khắc Tiến xây dựng chương trình cao học theo định hướng chuyên ngành cho trường Đại học mỹ thuật Việt Nam. Đồng thời, ông cũng vẫn dành phần lớn thời gian của mình để tiếp tục thực hành nghệ thuật trên các sáng tác mới.

 

Một số tác phẩm của hoạ sĩ Triệu Khắc Tiến

Tranh sơn mài " Tình nhân"

Nhân vật chính là một đôi tình nhân đang bay lơ lửng trong một không trung rộng lớn. Trong khi sơn mài truyền thống thiên về mảng miếng, và độ nặng của chất liệu thì trong bức tranh này, họa sỹ cố gắng tìm kiến những gì đi ngược lại với cả hai yếu tố đó. Về mặt kỹ thuật, bức tranh mượn sức mạnh của các lớp lang tạo chất, sự kết hợp giữa các lớp trong, lớp đặc, và các lớp kim loại  vàng bạc… để tạo ra hiệu quả không gian hư ảo. Về mặt tạo hình, họa sỹ sử dụng các đường lượn xoắn có tính chất baroque để tạo ra các chuyển động nhẹ nhàng, êm ái, trung hòa được cái vừa là thế mạnh, vừa là thế yếu của sơn mài. 

Tranh sơn mài "Làng lên phố"

Bức tranh là sáng tác mới nhất của họa sỹ Triệu Khắc Tiến trong năm 2023. Trên mặt tranh thể hiện nhiều sự ẩn dụ về những giá trị truyền thống đang mai một dần. Một vài manh mối xuất hiện trong thấp thoáng những nhà cấp bốn cũ nát, nỗi trăn trở về sự đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ ở các làng quê, sự biến mất của những khoảng không có cây xanh rợp bóng mát, giờ đây bị phân lô và chia năm xẻ bảy.  

“Làng lên phố” áp dụng nhiều kỹ thuật tạo chất mà ông Tiến nghiên cứu trong những năm vừa qua. Theo ông Tiến, duy nhất chất liệu sơn mài là chất liệu có thể đóng vai trò như một ngôn ngữ nghệ thuật riêng. Ở trong bức tranh này, ông sử dụng các tùy biến ngẫu nhiên trong sơn mài để tạo ra sự khám phá theo biên độ hội họa, một cách không gò bó. 

Tranh sơn mài "Vô thường- hoan ca"

 

Nằm trong series Triệu Khắc Tiến sáng tác năm 2022. Có lẽ chúng ta sẽ nhìn thấy những thực hành kỹ thuật điển hình cho trường phái trừu tượng biểu hiện theo kiểu của Jackson Pollock, hay xu hướng trừu tượng của Joan Miro. Ông Tiến bước vào một giai đoạn sáng tác triệt tiêu về hình thể, mà thử thách các kỹ thuật tự do, nhiều lớp để tạo ra một sự độc đoán cá nhân về sáng tác: không sử dụng các ý đồ của nghệ thuật tạo hình, mà đưa bản thân thả mình vào các nhịp điệu tự nhiên của sơn ta xuất hiện theo trạng thái năng lượng trong lúc sáng tác. Ông đã thử nghiệm Sơn ta trên nhiều vóc nhỏ, để đạt được hiệu quả nội hàm của sơn mài, mà vẫn đảm bảo kỹ thuật, trước khi bắt đầu bước vào sáng tác Vô thường và Hoan ca.  

Tranh sơn mài "Đêm tĩnh"

Đây là bức tranh nằm trong series vẽ nude của Triệu Khắc Tiến. Hình tượng của chủ thể bức tranh cũng được nhìn thấy trong một số bức tranh khác của ông. Ông Tiến dùng một hình thể tối giản, nhưng vẫn toát lên đầy đủ đường nét của nữ và đặc biệt là tính nữ. Ta có thể nhìn thấy bóng dáng của một số kỹ thuật dập đã từng được dùng trong sơn ta truyền thống, và một số cải biến rõ rệt về mặt kỹ thuật của ông Triệu Khắc Tiến để tạo ra một bề mặt phong phú về chi tiết trên bề mặt tranh. Ông Tiến nói rằng “tôi thực ra không lệ thuộc vào kỹ thuật, kỹ thuật sẽ tự nảy sinh trong từng tình huống và từng tranh cụ thể”.

Tranh sơn mài "Xuân trên cao nguyên đá Đồng Văn"

Xuân trên cao nguyên đá Đồng Văn được sáng tác vào năm 2020. Đây là một bức tranh điển hình cho phong cách của Triệu Khắc Tiến. Với bức tranh này, ông Tiến nói rằng mình đã hoàn toàn phá đi cách vẽ cổ truyền, không gò vào mảng, và có một cảm hứng tùy biến trên tranh. 

Nội dung: Vân Vi

Thực hiện: Phương Anh

 

Viết bình luận của bạn:

Tranh vẽ theo yêu cầu. Chúng tôi nhận đặt vẽ tranh theo yêu cầu với thể loại và chất liệu đa dạng. Hãy để những bức tranh nói lên phong cách của bạn.

Tải ứng dụng ngay

Google Play App Store
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

icon icon icon