-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
THÔNG TIN TÁC PHẨM
Tên tác phẩm: Ballet
Họa sĩ: Trần Thị Huyền Thanh
Chất liệu: Sơn mài
Kích thước: 80x 120 cm
HỌA SĨ TRẦN THỊ HUYỀN THANH
Trần Thị Huyền Thanh sinh năm 1992, quê quán Nam Định.
Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 2016.
Tốt nghiệp Thạc sỹ Mỹ thuật năm 2018.
Huyền Thanh đã theo đuổi một chủ đề đặc biệt trong một khoảng thời gian dài. Đó là các vũ công ballet trên chất liệu sơn mài truyền thống. Trong lời tự bạch cô viết: “Mỗi một tác phẩm sinh ra là sự dồn nén cảm xúc, kích hoạt những kiến thức tôi đã tích luỹ và tìm tòi được. Đề tài tôi sáng tác cần một khoảng thời gian quan sát thực tiễn và nghiên cứu. Qua đó, tôi gửi gắm chính thế giới quan nói chung và quan niệm thẩm mỹ của mình nói riêng. Nếu bạn thích ngắm nghía những tác phẩm ấy, thì đó là một niềm hạnh phúc của tôi khi tìm được sự đồng cảm.” – Huyền Thanh.
Theo đuổi một chủ đề đặc biệt về múa ballet, tranh của Huyền Thanh khai thác các khoảnh khắc/ góc độ khác nhau về những vũ công ballet trong đời sống nghề nghiệp đặc thù của họ. Chất liệu sơn mài truyền thống làm tranh của cô có chiều sâu về màu sắc và không gian. Trong khi phong cách pop thể hiện rõ qua những mảng miếng tạo hình, cách khai thác và đặt để ánh sáng trong tranh. Phong cách và chất liệu dường như đối lập nhưng lại được tìm tòi và kết hợp thành công trên tranh của cô, tạo nên những tác phẩm rất động cả về trạng thái nhân vật lẫn các yếu tố của hội họa như màu sắc, bố cục, hình nét… Cô khai thác một chủ đề không mới trong hội họa thế giới nhưng độc đáo ở Việt Nam với chất liệu truyền thống và tạo hình đương đại.
Tranh sơn mài “Ballet” của Trần Huyền Thanh
Tranh sơn mài “Ballet” được sáng tác bởi họa sĩ Trần Huyền Thanh. Nằm trong chủ đề quen thuộc mà họa sĩ khai thác trong nhiều năm nay, bức tranh diển tả một cảnh trong buổi luyện tập của các vũ công ballet trước gương. Chất liệu sơn mài và tạo hình có hơi hướng lãng mạn hóa đã khiến không gian trong bức tranh dường như không xác định hay không tuân theo quy luật phối cảnh một cách chặt chẽ. Chính điều đó đã tạo nên tính tượng trưng cho các nhân vật trong tranh. Bức tranh thể hiện nhịp điệu của hình và màu. Nhịp chân, nhịp đầu tạo nên nhịp điệu của bố cục ngang một cách sinh động. Hình xung quanh được xóa nhòa để chỉ còn tập trung vào các nhân vật chính và động tác điệu bộ của họ. Như các tác phẩm khác, bức tranh “Ballet” toát ra đầy sức sống, sự nhịp nhàng tươi trẻ, niềm đam mê của các vũ công và cũng là một góc thế giới quan của họa sĩ.