-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
“Tình yêu siêu thực": Đằng sau bức họa “Những người tình" của Rene Magritte
Rene Magritte, Những người tình, 1928
Là một trong những bức hoạ nổi tiếng nhất trong lịch sử mỹ thuật và trong sự nghiệp của danh hoạ người Bỉ Rene Magritte, Những người tình (The Lovers) nói về tình yêu với sự huyền bí đầy mê hoặc. Thoạt nhìn, bức tranh như chỉ đang tả lại một sự phô diễn tình cảm bình thường: một cặp đôi chiếm vị trí trung tâm của khung hình, trước một không gian rộng lớn như vô hạn, đắm chìm trong một nụ hôn say đắm; một hình ảnh đã quá đỗi quen thuộc và đã trở nên nhàm chán trong văn hoá đại chúng. Nhưng khác với những hình ảnh ấy, trong thế giới của Magritte, đầu của đôi tình nhân đã bị che kín bởi những tấm vải ngột ngạt. Sự che đậy như vừa thể hiện sự thân mật, vừa tạo nên khoảng cách giữa các nhân vật. Che giấu đi khuôn mặt, cửa sổ dẫn tới suy nghĩ và cảm xúc của con người, người hoạ sĩ như buộc người xem phải suy ngẫm về những gì được ấn giấu, được tiết lộ, và sự kết nối trong xã hội của chúng ta.
Với những hình tượng nghệ thuật xuyên suốt sự nghiệp của mình như những thân thể hình lồng chim, những chiếc mũ chóp bay lơ lửng hay gương mặt quả táo xanh, Magritte đã không còn xa lạ gì với những trò lừa thị giác dành cho người xem. Là một trong những người theo đuổi trường phái Siêu thực (Surrealism) từ sớm, một phong trào nghệ thuật tiên phong được khơi dậy vào năm 1924 bởi nghệ sĩ và nhà thơ người Pháp André Breton, Magritte nhấn mạnh tầm quan trọng của sự phi lý và vô lý như một phần không thể thiếu của sự hiểu biết về cuộc sống. Sau Chiến tranh Thế giới thứ nhất, trường phái Siêu thực hướng tới sự khai phá tiềm thức, như là một phản ứng tâm lý của những người nghệ sĩ sau những tổn thương và mất mát của chiến tranh. Những họa sĩ Siêu thực như Magritte, Salvador Dalí, Max Ernst, và Joan Miró sử dụng phương pháp “tự động" (automatism); khi ấy, họ sẽ nhường lại quyền kiểm soát cho tiềm thức của mình, lu mờ ranh giới giữa thực và ảo. Điều này được thể hiện rõ ràng bởi những bức tranh nhìn như những giấc mơ hay những cơn ảo giác. Trong một thực tế với nhiều ràng buộc, những nghệ sĩ Siêu thực cố gắng thách thức nhận thức của người xem về những điều thông thường và khuyến khích họ đón nhận những điều huyền ảo.
Rene Magritte, Con của loài người, 1964
Gần một thế kỷ sau khi bức hoạ được sáng tác, các học giả và những người yêu nghệ thuật đều đưa ra những quan điểm khác nhau về sự cuốn hút của Những người tình. Một số cho rằng biểu tượng đôi tình nhân bị che khuất xuất phát từ sự ngưỡng mộ của Magritte đối với một nhân vật tiểu thuyết tên Fantômas, một kẻ phản diện nổi tiếng được tạo ra bởi nhà văn Marcel Allain và Pierre Souvestre vào năm 1911. Fantômas, là một bậc thầy cải trang tài tình, đã khủng bố Paris và liên tục thực hiện những cuộc tẩu thoát không thể ngờ tới. Trong một bức tranh khác, Magritte ám chỉ đến Fantôma, bằng cách sắp xếp hai thám tử đứng hai bên khung cửa, dựa tên một cảnh trong bộ phim Fantômas của Louis Feuillade năm 1913, Le mort qui tue (Xác chết sát nhân). Có những người khác lại tin rằng sự kết nối của Magritte với chủ nghĩa siêu thực bắt nguồn từ chính cuộc đời của ông. Vào năm 13 tuổi, mẹ của ông đã tự dìm mình chết đuối. Khi cơ thể của bà được tìm thấy trên sông Sambre, mặt của bà bị che đi bởi chiếc váy ngủ của mình - một sự tương đồng đáng sợ với hình ảnh trong Những người tình.
Vậy Những người tình đang muốn nói với chúng ta điều gì? Magritte không tiết lộ. Người hoạ sĩ phủ nhận rằng những tác phẩm của ông có bất kỳ ý nghĩa nào, nói rằng, “Tranh của tôi là những hình ảnh có thể nhìn thấy; chúng không che giấu điều gì. Chúng gợi lên sự huyền bí và, thực sự, khi một người nhìn thấy một bức tranh của tôi, người ta sẽ tự hỏi, ‘Nó có nghĩa là gì?’ Nó không có nghĩa gì cả, vì sự huyền bí không có nghĩa gì cả, nó là không thể biết được.” Lời phủ nhận của ông như thách thức mọi cố gắng diễn giải, khẳng định rằng ý nghĩa của bức tranh mơ hồ như những khuôn mặt bị che lấp bên trong nó.
Thiếu đi bất kỳ ý nghĩa hay lời giải thích nào từ tác giả, tác phẩm bí ẩn của Magritte vẫn tiếp tục mê hoặc và khơi dậy những suy tư từ người xem sau hàng thập kỉ. Tấm vải che mặt của cặp đôi dường như mang nhiều ý nghĩa hơn là về mặt vật chất. Một mặt, sự hiện diện của nó là một hành động cố tình che khuất những điều dễ nhận ra; mặt khác, nó là một lời mời gọi để khám phá những điều được ẩn giấu. Những người tình như một nghịch lý, buộc chúng ta phải vật lộn với ý định của Magritte và bản chất khó nắm bắt của tình yêu.
Biên dịch: Hoàng Linh
Nguồn: Moma
https://www.moma.org/magazine/articles/1018#fn:1