-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
T.C. Cannon: Triển lãm hồi cố "On the Edge of America" tôn vinh biểu tượng nghệ thuật đương đại của người Mỹ bản địa
Bảo tàng Peabody Essex (Salem, Massachusetts) đang tổ chức triển lãm nghệ thuật T.C. Cannon: On the Edge of America (diễn ra đến ngày 10/6/2025), đánh dấu cuộc hồi cố lưu động đầu tiên về T.C. Cannon kể từ năm 1990. Sau khi kết thúc tại PEM, sự kiện nghệ thuật này sẽ tiếp tục hành trình tới Bảo tàng Gilcrease (Tulsa, Oklahoma) và Bảo tàng Quốc gia Người Mỹ Bản địa (Washington, D.C.).
Với hơn 90 tác phẩm, bao gồm hơn 30 bức tranh triển lãm nghệ thuật lớn cùng các bản vẽ, tranh khắc gỗ, tranh in linocut, bài thơ và bản thu âm, triển lãm làm sáng tỏ di sản nghệ thuật độc đáo của T.C. Cannon — một trong những nghệ sĩ người Mỹ bản địa có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế kỷ 20.
T.C. Cannon: Nghệ sĩ đứng giữa truyền thống và hiện đại
Sinh năm 1946 tại một cộng đồng nông nghiệp nhỏ ở miền nam Oklahoma, Cannon (tên khai sinh Tommy Wayne Cannon) mang trong mình dòng máu Kiowa từ cha và Caddo từ mẹ. Ông còn được đặt tên Kiowa là Pai-doung-u-day, nghĩa là "người đứng trong ánh mặt trời." Cái tên T.C. Cannon sau này đã trở thành dấu ấn của một tài năng nghệ thuật đột phá.
Cannon được biết đến với những bức tranh đầy màu sắc sống động, trong đó người Mỹ bản địa hiện diện vừa trong hình ảnh truyền thống, vừa trong bối cảnh đương đại. Các tác phẩm của ông mang đậm yếu tố châm biếm và hài hước, thể hiện những nhân vật sống giữa hai thế giới — đôi khi bất hòa nhưng luôn kiêu hãnh và đầy sức sống.
Hành trình nghệ thuật và ảnh hưởng đa chiều
Từ năm 1964, Cannon theo học tại Viện Nghệ thuật Người Mỹ Bản địa ở Santa Fe, nơi ông được tiếp xúc cả với nghệ thuật phương Tây và phong trào phục hưng nghệ thuật bản địa. Các ảnh hưởng từ họa sĩ Fritz Scholder, Henri Matisse, Vincent van Gogh và Robert Rauschenberg được thể hiện rõ rệt trong phong cách của ông.
On Drinkin’ Beer in Vietnam in 1967, T. C. Cannon, phiên bản sau khi mất, khoảng 1988–1989, tranh khắc tay màu (dựa trên bản vẽ năm 1971).
Năm 1966, Cannon gây chú ý với tác phẩm Mama and Papa Have the Going Home Shiprock Blues, đánh dấu sự khởi đầu của phong trào Nghệ thuật Người Mỹ Bản địa mới. Trong bối cảnh phản chiến của giới nghệ thuật Mỹ những năm 1960, Cannon gia nhập quân đội, tham chiến tại Việt Nam và nhận hai Huân chương Sao Đồng vì lòng dũng cảm. Trải nghiệm chiến tranh đã thấm vào tác phẩm của ông, tiêu biểu như bản vẽ On Drinkin’ Beer in Vietnam in 1967.
Sau chiến tranh, Cannon nhanh chóng vươn lên đỉnh cao nghệ thuật. Năm 1972, ông cùng thầy cũ Fritz Scholder tổ chức triển lãm tranh Two American Painters tại Bảo tàng Quốc gia Mỹ thuật (nay thuộc Smithsonian). Sự kiện nghệ thuật thành công vang dội, đưa tên tuổi Cannon ra toàn thế giới.
Những tác phẩm tiêu biểu trong triển lãm
Collector #3, T. C. Cannon, 1974, tranh gỗ, acrylic và sơn dầu trên toan.
Collector #3 (1974): Một sáng tác chịu ảnh hưởng rõ rệt từ Matisse, thể hiện một người phụ nữ bản địa nằm trên thảm Navajo.
Waiting for the Bus (Anadarko Princess), T. C. Cannon, 1977, tranh lithograph.
Waiting for the Bus (Anadarko Princess) (1977): Một bản in thạch bản ghi lại hình ảnh người phụ nữ bản địa đương đại.
His Hair Flows Like a River, T. C. Cannon, 1973, sơn dầu trên toan.
Self-Portrait in the Studio, T. C. Cannon, 1975, sơn dầu trên toan.
His Hair Flows Like a River (1973) và Self-Portrait in the Studio (1975): Những bức tranh sơn dầu phản ánh sự tự tin và bản lĩnh nghệ sĩ của Cannon.
Epochs of Plains History (1976 – 1977): Một kiệt tác hội tụ lịch sử, truyền thuyết và đời sống hiện đại người đồng bằng, kết nối quá khứ và hiện tại qua biểu tượng mặt trăng, mặt trời và cầu vồng.
Di sản để lại
T.C. Cannon qua đời vì tai nạn ô tô năm 1978, khi mới 31 tuổi, để lại một kho tàng sáng tác quý giá. Triển lãm tranh nghệ thuật On the Edge of America không chỉ vinh danh tài năng xuất chúng của ông, mà còn khẳng định vị trí trung tâm của nghệ thuật người Mỹ bản địa trong dòng chảy văn hóa Mỹ.
Nguồn: T.C. Cannon: Cannonical Works
Quỳnh Hoa