-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Sức mạnh thầm lặng trong tranh sơn dầu trừu tượng của Ayesha Sultana (P2)
Làm thế nào để chúng ta hiểu được những bức tranh của Sultana trong mối quan hệ với những tác phẩm nghệ thuật nổi bật khác với phong cách hình học mạnh mẽ, ảm đạm của cô? Nếu đây là một họa sĩ quan tâm đến các dạng họa tiết, thì đâu là mẫu số chung cho những tác phẩm khác nhau đến như vậy? Có lẽ điểm chung nằm ở sự thiếu vắng một nhân dạng trong các bức tranh. Cảnh quan trong các tác phẩm của Sultana, cho dù đó là sóng biển hay một bề mặt kim loại, có xu hướng không có hình ảnh. Hình thức tối giản, các mảng hình khối và ánh sáng chiếm vị trí trung tâm trong ngôn ngữ hội họa của nghệ sĩ. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là con người không hiện diện. Cấu trúc trong các tác phẩm điêu khắc bằng than chì của Sultana vừa gợi nhắc đến khả năng xây dựng và sáng tạo của loài người, vừa đưa ra những câu hỏi về sự hủy diệt do công nghiệp, chủ nghĩa tư bản và khủng hoảng môi trường. Cascading (2022) có hình dáng giống như một tấm panel dài, với họa tiết ca rô được lấy từ một công trường xây dựng kiên cố và nặng nề. Nhưng trên thực tế, vật liệu của nó rất mỏng manh. Có lẽ bức tranh ám chỉ sự bấp bênh bẩm sinh của các hệ thống năng lượng toàn cầu .
Bản thân Sultana, với tư cách là người sáng tạo, cũng hiện diện trong tác phẩm. Nghệ sĩ tiết lộ: “Tôi cảm thấy tất cả các tác phẩm đều là một dạng thức tự truyện, theo một nghĩa nào đó”. Sự hiện diện của cô cũng tinh tế và thân mật. Trong những bức tranh trừu tượng như Dưới sóng (Under the waves, 2022) và “Chìm trong hang” (Sank in the burrows, 2022), nước mang một ý nghĩa sâu sắc hơn. “Đối với tôi, nước đại diện cho năng lượng nữ tính, đồng thời cũng thể hiện tính linh hoạt và khả năng thích nghi với các tình huống khác nhau”. Sultana có nhiều kinh nghiệm trong việc thích nghi với môi trường mới. Sinh ra ở Bangladesh, cô đã sống, làm việc và học tập trên khắp thế giới. Các tác phẩm của họa sĩ đã có mặt ở nhiều phòng trưng bày nghệ thuật ở Kolkata, San Francisco, Mumbai, Rome, New Delhi, Dhaka, Paris, Vienna... Cô đã sống ở cả những thành phố quá đông đúc lẫn vùng ngoại ô Georgia. Tranh trừu tượng của Sultana luôn gọi ra cảm giác nơi chốn. Tuy nhiên, họa sĩ không chỉ đơn giản lấy cảm hứng từ môi trường xung quanh mà cũng thực hành nghiên cứu và cấu trúc lại đối tượng của mình trong khi sáng tác. Trong sê-ri ‘Nghiên cứu về hình thức’ (Form Studies, 2017-2018), Sultana tách nhỏ các chi tiết xung quanh thành từng bức tranh trừu tượng, chẳng hạn như khung cảnh cầu thang từ cửa sổ phòng làm việc của cô ấy. Quá trình nghiên cứu của cô cũng được thể hiện rõ ràng qua những tác phẩm điêu khắc độc đáo ba chiều như là một kiểu trừu tượng khác.
Mặc dù địa điểm trong tranh sơn dầu của cô ấy độc đáo, thân thuộc và hết sức riêng tư, nhưng đối với khán giả, chúng cũng có thể trở nên vô vị. Trạng thái vừa xa lạ và phổ quát này gợi mở nhiều khả năng diễn giải, thể hiện tinh thần cốt lõi trong thực hành nghệ thuật của Sultana. Môi trường trong tranh của Sultana, cũng giống như công việc của cô ấy, thường xuyên tồn tại trong trạng thái tiến hóa và thay đổi liên tục. Họa sĩ tiếp cận chủ thể theo phương pháp và suy tưởng của riêng mình, hết sức kỹ lưỡng, tỉ mỉ. Sê-ri tranh 'Đếm hơi thở' (Breath Count, 2019 – hiện tại) của họa sĩ hiện bao gồm hơn 100 bức tranh với những vết cào trên giấy phủ đất sét được tạo ra dựa theo nhịp thở của cô…
Quá trình sáng tác 'Đếm hơi thở' cũng chính là là một quá trình thiền định, có chủ ý và hết sức riêng tư. Nghệ sĩ trở thành một yếu tố trong mỗi tác phẩm. Sự hiện diện của cô hiển hiện thông qua những dấu vết thời gian và những hành động lặp lại. Trong các bức tranh than chì khổ lớn, chẳng hạn như Scrim (2022), nhiều tờ giấy nhỏ gấp riêng đã tạo ảo giác về lớp mạ kim loại. Quá trình xử lý giấy, phủ than chì và lắp ráp thành tác phẩm cuối cùng rất tẻ nhạt và tốn nhiều công sức. Nhưng điều đó không có nghĩa là nó gây khó chịu. Sultana nói: “Tôi thích làm việc với các bề mặt. Cho dù đó là lớp sơn mỏng hay chuẩn bị bề mặt của vật liệu, dù là giấy hay vải lanh".
Sự vắng mặt tạo ra sự hiện diện, đôi khi theo nghĩa đen. Khi chụp ảnh than chì trên giấy, Sultana lưu ý: “Nếu bạn đứng trước nó, bạn sẽ thấy thoáng vệt bóng của người chụp. Bạn trở thành một phần của tác phẩm”. Vì vậy, nếu như Sultana mô tả quá trình thực hành của mình là tự truyện, thì những gì hiện lên trong các tác phẩm của cô là một bức tranh chân dung đa diện của người nghệ sĩ và một khung cảnh rộng lớn của thế giới. Đối với những người trong chúng ta, những người nhìn vào kết quả, chúng ta có thể thấy hình bóng mình im lặng giữa các mảnh ghép.
Xem thêm phần 1 tại đây
Biên dịch: Minh Tâm
Biên tập: Thu Huyền
https://www.artbasel.com/stories/ayesha-sultana-atlanta-quiet-power-abstractions