-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Sức mạnh thầm lặng trong tranh sơn dầu trừu tượng của Ayesha Sultana (P1)
Tôi đến thăm họa sĩ Ayesha Sultana ở Lilburn, Georgia trong một ngày mưa ẩm ướt. Đó là một chuyến thăm mất nhiều công sức, với chuỗi email dài và những lần hẹn đi hẹn lại. Điều này dường như thường xảy ra trong những năm hậu phong tỏa này. Những cuộc gặp mặt trực tiếp tại xưởng nghệ sĩ đôi khi nhấn chìm ta trong trạng thái hồi hộp mà mệt mỏi rã rời và cả hai chúng tôi đều cảm thấy nhẹ nhõm khi gặp nhau. Studio của Ayesha, nằm ở tầng hầm trong nhà cô, rất dễ chịu với ánh sáng vừa đủ và không khí thoáng mát. Không gian sạch sẽ và ngăn nắp. Nhưng lớp sơn bắn tung tóe trên sàn và tường lại tiết lộ về một quá khứ hoa lệ.
Sultana có lẽ được biết đến nhiều nhất qua những tác phẩm bằng than chì của mình. Một số bức tranh trong số đó đang nằm ngay trên bàn cạnh cửa sổ trong studio của nghệ sĩ. Để sáng tác những bức tranh trừu tượng này, Sultana lên bố cục trước khi xử lý giấy bằng ba hoặc bốn lớp bột than chì, cùng với chất định hình giữa mỗi lớp - phần khó khăn nhất của quy trình. Sau đó, cô tô bút chì lên giấy, gấp và uốn tờ giấy thành các hình dạng giống nhau, và cuối cùng ráp tất cả các mảnh lại để tạo ra ảo giác về các tấm kim loại. “Giấy là một phương tiện linh hoạt. Chỉ cần giấy và bút chì - những yếu tố rất cơ bản, để tạo ra sự thay đổi về chất liệu.” Sultana nói. Thật vậy, người xem đôi khi dễ dàng nhầm tác phẩm của cô với các tác phẩm bằng kim loại hoặc sắt. Chúng đơn sắc, công nghiệp và ngăm nắm. Khi được lắp ráp trên quy mô lớn, chúng mang lại cảm giác đặc biệt hùng vĩ.
Sultana phủ nhận khái niệm “bàn tay vô hình” của người nghệ sĩ trong khi sáng tác. Cô ấy chỉ ra các vết ngón tay chắc chắn sẽ xuất hiện khi làm việc với than chì, mặc dù các vết ố này sẽ không thể nhận ra được với một người xem bình thường. Một hiện tượng kỳ lạ đã xảy ra trong chuyến thăm studio Lilburn mà không thể bắt gặp ở đâu khác. Ánh sáng xanh xám của cơn bão gần đây xuyên qua cửa sổ studio và chiếu sáng tác phẩm bằng than chì, làm thay đổi vẻ ngoài của tác phẩm, khiến nó sáng bừng lên và bỗng chốc thanh thoát, tinh tế lạ thường. Khoảnh khắc khi ánh sáng tương tác với các vật liệu cũng đã nhấn mạnh nỗ lực khám phá những mâu thuẫn trong các sáng tác của Sultana: làm đảo lộn cảm giác về vật chất.
Ngoài các tác phẩm bằng than chì của mình, Sultana còn thực hành trên loại chất liệu khác nhau, bao gồm sơn dầu, đồng thau, sắt, thủy tinh, giấy lụa, nhôm, thạch cao, acrylic và vải lanh. Bên cạnh sự đa dạng về chất liệu, tranh trừu tượng của cô cũng thể hiện nhiều chủ đề khác nhau. Các bức tranh trừu tượng của Sultana thường tập trung vào môi trường tự nhiên hơn là những cảnh quan nhân tạo. Trong khi các tác phẩm bằng than chì có cấu trúc và đơn sắc, thì các bức tranh của cô lại đầy màu sắc, mờ ảo, giàu cảm xúc và không có đường nét sắc nét. Màu xanh lam, đỏ và cam rực rỡ hòa vào nhau trong một bức tranh sơn dầu trừu tượng mơ mộng về cảnh bình minh. Trong khi đó, bức tranh 21/12 (2021) vẽ những chiếc lá màu xanh tươi sáng dường như đung đưa trong gió trên phông nền màu xanh nhạt với những nét cọ dày đặc nhưng lỏng lẻo. Mây cuồn cuộn, biển cuộn và bầu trời chuyển từ màu đen sang màu xanh sang màu đồng.
Biên dịch: Minh Tâm
Biên tập: Thu Huyền
https://www.artbasel.com/stories/ayesha-sultana-atlanta-quiet-power-abstractions