-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Phỗng đất - Món đồ chơi truyền thống mang trong mình giá trị văn hóa của cả một vùng Kinh Bắc
Phỗng đất vốn là nghề thủ công lâu đời của vùng Kinh Bắc. Trong ký ức của người xưa, mâm cỗ Trung thu không thể thiếu bộ phỗng đất bên cạnh bánh nướng, bánh dẻo, ông Tiến sĩ giấy và đèn ông sao. Bộ phỗng truyền thống gồm năm nhân vật tương ứng với 5 bức tượng đất: ở trung tâm là ông Phật hiền từ, bên trái là cụ già, bên phải là em bé cởi trần ôm hoa. Hai con vật đi cùng – chim bồ câu và rùa – tượng trưng cho khát vọng hòa bình và sự trường tồn. Không chỉ là món đồ chơi truyền thống, phỗng còn chuyên chở những ước vọng giản dị, những lời răn dạy sâu xa về đạo lý làm người.
Theo nghệ nhân Phùng Đình Giáp, để làm được một bộ phỗng hoàn chỉnh đòi hỏi sự kiên nhẫn và cẩn trọng. Đất nặn phải là đất thó – thứ đất sét mịn, sạch lấy từ ruộng sâu. Giấy dó được ngâm cho đến khi nhão mủn, sau đó trộn cùng bột đất để tạo nên khối đất dẻo mịn. Từng nhân vật được nặn bằng tay, rồi đem phơi khô, tô màu thủ công để hoàn thiện.
Những bộ phỗng sau khi hoàn thành thường được bày trang trọng trên mâm cỗ, đặt giữa sân nhà để đón trăng rằm. Trẻ em sau khi rước đèn sẽ cùng phá cỗ, quây quần ngắm trăng và chiêm ngưỡng những hình thù đáng yêu, bình dị ấy – như một cách lặng lẽ gìn giữ nếp sống xưa, hồn quê cũ.
Đất sét được làm mịn
Nghệ nhân Phùng Đình Đạt tỉ mỉ làm mềm đất nặn phỗng
Giới thiệu quy trình làm phỗng đất cho các em nhỏ
Một bộ phỗng đất khi chưa sơn màu
Quá trình sơn màu cho tượng phỗng đất
Một bộ phỗng đất sau khi hoàn thiện màu sắc
Phỗng đất được giới thiệu và quan tâm bởi các du khách trong hội chợ truyền thống
Dẫu thời gian trôi và những món đồ chơi hiện đại ngày càng chiếm lĩnh, thì phỗng đất vẫn âm thầm hiện diện như một mảnh ký ức còn sót lại của tuổi thơ, của văn hóa làng quê Bắc Bộ. Nhờ những đôi tay cần mẫn của các nghệ nhân, hồn cốt của nghề thủ công xưa không bị mai một mà vẫn sống tiếp trong đời sống hôm nay – giản dị, mộc mạc nhưng đầy ý nghĩa. Giữ gìn phỗng đất, cũng là giữ gìn một phần bản sắc, một cách nối dài ký ức cho thế hệ mai sau.
Biên soạn: Hoàng Linh