-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Phỗng đất – ký ức mộc mạc của một thời yêu thương
Mỗi lần trở lại Bắc Ninh, lòng lại dậy lên cảm giác thân thuộc khó tả. Không chỉ bởi vùng đất Kinh Bắc đậm đà bản sắc văn hóa, mà còn vì nơi đây vẫn còn những con người lặng lẽ gìn giữ nghề truyền thống – như vợ chồng nghệ nhân Phùng Đình Giáp ở làng Đông Khê, xã Song Hồ (Thuận Thành).
Bộ phỗng đất với 5 nhân vật với 5 ý nghĩa biểu tượng khác nhau
Trong ngôi nhà giản dị, tĩnh lặng, vợ chồng ông Giáp suốt mấy chục năm qua vẫn nặn từng con phỗng đất – món đồ chơi dân gian tưởng chừng đã bị lãng quên. Phỗng là loại tượng đất được làm từ đất thó, loại đất sét lấy sâu từ lòng ruộng, được phơi, giã, sàng cho đến khi mịn, mát tay. Từ đôi tay thủ công khéo léo, từng hình thù mộc mạc hiện lên: ông Phật, con rùa, chim bay, cụ già, em bé… Mỗi tượng mang một lớp nghĩa – về đạo lý sống, khát vọng hòa bình, sự nối tiếp truyền thống.
Nặn phỗng đất
Có thời, trẻ con nô nức đòi mua phỗng mỗi dịp lễ Tết. Nhưng rồi qua những thập niên của đổi thay, phỗng dần lạc lõng trước đồ chơi nhựa và công nghệ. Nghề gần như mai một, cả làng chuyển sang làm hàng mã. Chỉ vợ chồng ông Giáp vẫn bền bỉ, bởi “cha ông đã cho nghề gì, cũng đều đáng quý.”
Những năm gần đây, ông bà đã tìm cách làm mới phỗng. Nhờ gợi ý của một nhóm họa sĩ, ông bắt đầu thử nghiệm những tạo hình mới – từ đàn lợn, chó giữ nhà, chuột đựng nghiên bút… Tất cả vẫn giữ hồn dân gian, nhưng gần gũi hơn với thẩm mỹ hiện đại. Mỗi mẫu chỉ làm vài bản, rồi lại sáng tạo mẫu mới – khiến sản phẩm vừa độc bản, vừa sống động.
Phỗng của ông không còn chỉ bán vào dịp Trung thu, mà xuất hiện quanh năm tại các hội chợ, triển lãm truyền thống, các buổi học ngoại khóa từ Hà Nội đến Hải Dương, Thái Bình... Nhiều du khách tìm đến nhà ông để được trải nghiệm một phần văn hóa Bắc Bộ, tự tay nặn lấy một con phỗng, hiểu thêm về một ký ức đã từng rất đẹp trong đời sống làng quê.
Nghệ nhân Phùng Đình Đạt
Điều đáng mừng là con cháu ông cũng nối nghề. Cháu nội Phùng Đình Đạt đã lập fanpage “Phỗng đất làng Hồ”, kể lại câu chuyện từ truyền thống đến hiện đại, lan tỏa tình yêu với nghề qua hình ảnh, video, và những cuộc trò chuyện nhỏ.
“Phỗng đất sẽ sống mãi,” ông Giáp tin tưởng. Trong đôi bàn tay vẫn miệt mài nắn từng nét đất mềm, là cả một đời gìn giữ – không chỉ một nghề, mà là cả một mạch văn hóa không nên để mai một.
Biên soạn: Hoàng Linh