-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Những tiềm năng mới cho các nghệ sĩ nữ trong thị trường nghệ thuật (P1)
Mặc dù chúng ta vẫn luôn giơ khẩu hiệu đấu tranh cho bình đẳng giới trong thị trường nghệ thuật, nhưng trên thực tế, các dữ liệu cho thấy sự chênh lệch giữa thu nhập giữa các nghệ sĩ vẫn còn quá lớn. Tuy nhiên, hy vọng đến từ báo cáo Khảo sát về sưu tập nghệ thuật toàn cầu năm 2022 của hội chợ nghệ thuật Art Basel và UBS cho thấy những tiềm năng mới cho các nghệ sĩ nữ. Các tác phẩm nghệ thuật của nghệ sĩ nữ chiếm 42% số tác phẩm trong các bộ sưu tập nghệ thuật vào năm 2022, một mức tăng đáng kể so với tỉ lệ 33% vào năm 2018.
Cuộc khảo sát không kết luận rằng sự thay đổi này chỉ được thúc đẩy bởi một thế hệ cụ thể, tuy nhiên có một số bằng chứng cho thấy rằng thế hệ Millennials đóng một vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng này. Một điểm nhấn đặc biệt trong xu hướng sưu tầm của Millennials là các tác phẩm nghệ thuật 'siêu đương đại' (ultra contemporary) sáng tác bởi những nghệ sĩ cùng lứa tuổi (sinh sau năm 1974, theo định nghĩa của thuật ngữ). Theo Artprice, hoạt động bán đấu giá tác phẩm nghệ thuật siêu-đương đại trong nửa đầu năm 2022 của 10 nghệ sĩ đã thu về hơn 100 triệu USD, và phần lớn các nghệ sĩ trong thống kê trên là phụ nữ: Ayako Rokkaku, Flora Yukhnovich, Avery Singer, María Berrío, Anna Weyant, Christina Quarles và Loie Hollowell. Đặc biệt ở Hồng Kông, các nghệ sĩ trên đây cũng là những cái tên được các nhà sưu tập nghệ thuật châu Á dưới 45 tuổi hết sức săn đón.
Bên cạnh niềm tin về một tương lai tươi sáng rằng lịch sử nghệ thuật đang được viết lại, các ý kiến khác lại cho rằng hành vi đầu cơ là một yếu tố đẩy giá mua bán tranh của các nữ nghệ sĩ mới nổi lên cao. Chiara Repetto, người điều hành gallery kaufmann repetto ở New York cho rằng kết quả hiện tại là tổng hòa của nhiều yếu tố khác nhau. Là một người đang đại diện cho rất nhiều nghệ sĩ nữ, cô chia sẻ: “Thị trường nghệ thuật rất thông minh. Có rất nhiều tiềm năng thị trường cho tác phẩm nghệ thuật của các nghệ sĩ nữ, nhờ chất lượng tốt và mức giá mua bán tác phẩm nghệ thuật cạnh tranh của họ, so với các tác phẩm của nam giới. Đồng thời, một thế hệ các nhà sưu tập nghệ thuật mới nổi ngày càng tỉnh táo hơn trước thiên kiến cá nhân. Đành rằng giới tính cũng ít nhiều ảnh hưởng lên quá trình sáng tác và quan niệm nghệ thuật, nhưng trên hết, chúng tôi luôn hi vọng người xem sẽ thưởng thức tác phẩm chỉ như là một tác phẩm mà thôi.”
Pilar Corrias là giám đốc phòng trưng bày nghệ thuật tại London với một danh sách nghệ sĩ có đến quá nửa là phụ nữ. Cô tin rằng các tiêu chuẩn lịch sử nghệ thuật luôn cần được điều chỉnh. Cô ấy nói: “Nhiều nhà sưu tập nghệ thuật trẻ nhận thức được vô số bất bình đẳng đã tồn tại quá lâu. Tôi nghĩ họ nhận ra rằng sự thay đổi cần sự góp sức của tập thể và mong muốn đóng góp cho một tương lai mới”.
Các nhà sưu tập nghệ thuật được Art Basel khảo sát nói rằng giới tính rất ít ảnh hưởng đến quyết định mua bán tác phẩm nghệ thuật. Các nhà sưu tập, thay vào đó, quan tâm hơn đến việc định hình và sắp xếp bộ sưu tập nghệ thuật của mình. Tuy nhiên, con đường của những nghệ sĩ nữ vẫn còn đầy chông gai. Corrias nhắc đến các phản ứng đối với Venice Biennale của giám tuyển người Ý Cecilia Alemani năm ngoái. Trong sự kiện này, số các nghệ sĩ nữ vượt trội so với nam giới với tỷ lệ gần chín trên một. “Trong khi nhiều người tôn vinh sự vượt trội của phụ nữ, một số lại coi đó là một sự sắp xếp mang tính chính trị. Việc sửa chữa những thành kiến đã ăn sâu sẽ mất nhiều thời gian và đòi hỏi quyết tâm bền bỉ”.
Xem thêm phần 2 tại đây
Biên dịch: Minh Tâm
Biên tập: Thu Huyền