-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Nhà sưu tập Kankuro Ueshima chia sẻ về sưu tầm những kiệt tác nghệ thuật, thành lập Bảo tàng Tokyo và các nghệ sĩ mới nổi tại Nhật Bản (Phần 1)
'Chỉ riêng năm 2022, tôi đã mua 500 tác phẩm nghệ thuật, 150 tác phẩm vào năm 2023 và cho đến thời điểm hiện tại, tôi đã mua thêm 40 tác phẩm', nhà sưu tập người Nhật 45 tuổi cho biết.
Nhà sưu tập người Nhật Kankuro Ueshima mở bảo tàng tư nhân của mình tại Shibuya, Tokyo vào tháng 6.
Ảnh: Bảo tàng Ueshima.
Sinh năm 1979 tại tỉnh Chiba của Nhật Bản, Kankuro Ueshima thành lập công ty riêng của mình từ khi còn học tại Đại học Tokyo. Hiện nay, danh mục đầu tư và danh mục kinh doanh của anh bao gồm các công ty kỹ thuật, dược phẩm, bất động sản và xây dựng. Anh là người sáng lập Bộ sưu tập Bảo tàng Ueshima.
Khoảng 80 phần trăm thời gian của tôi dành cho nghệ thuật trong suốt hai năm qua. Tôi đi đến tất cả các sự kiện nghệ thuật lớn ở Basel, Hồng Kông, Seoul, New York, London và Paris. Tôi theo dõi chặt chẽ hầu hết những cuộc đấu giá nghệ thuật đương đại của các nhà đấu giá lớn trên thế giới. Tôi đến các phòng trưng bày hoặc bảo tàng mỗi ngày, nghiên cứu bằng cách đọc PDF rồi truy cập trang web và tài khoản Instagram của nghệ sĩ. Tôi mua tác phẩm nghệ thuật theo đúng nghĩa đen là hàng ngày. Chỉ riêng trong năm 2022, tôi đã mua 500 tác phẩm, 150 tác phẩm vào năm 2023 và cho đến trong năm nay, tôi đã mua 40 tác phẩm.
Hành trình sưu tầm của tôi có thể bắt nguồn từ năm 2016. Khi đó, tôi đã mua khoảng 20 tác phẩm nghệ thuật, chỉ để trang trí tường nhà và văn phòng. Sáu năm sau, công việc kinh doanh của tôi mở rộng đáng kể. Tôi có nhiều văn phòng và nhiều bức tường hơn để trang trí. Vì vậy, tôi nghĩ: Tại sao mình không bắt đầu sưu tầm nghệ thuật?
Khu vực trưng bày trong Bảo tàng Ueshima ở Tokyo.
Nguồn bởi Bảo tàng Ueshima.
Tôi đã liên lạc với người bạn cũ Kyoko Hattori, lúc đó là giám đốc khu vực của Phillips tại Nhật Bản. (Hattori hiện đang ở Pace, chỉ đạo việc mở rộng phòng trưng bày tại Tokyo.) Tôi hỏi cô ấy về việc sưu tập nghệ thuật khi chúng tôi chơi golf cùng nhau. Cô ấy khuyên tôi nên ngó qua các tài khoản mạng xã hội của tất cả các phòng trưng bày lớn và xem họ cung cấp những gì trước.
Sau đó, tôi làm theo lời khuyên và xem qua tất cả những tác phẩm nghệ thuật được bán bởi các phòng trưng bày. Đồng thời, học được thêm rất nhiều về nghệ thuật đương đại. Tác phẩm trên toan Bitje (2019) của Bernard Frize, mà tôi mua từ Perrotin, là tác phẩm đầu tiên để bắt đầu hành trình sưu tập này. Trọng tâm của tôi là nghệ thuật đương đại, tác phẩm do những nghệ sĩ còn sống thực hiện. Thỉnh thoảng tôi có sưu tầm những kiệt tác, nhưng tôi thực sự muốn biết những nghệ sĩ vĩ đại đó nhìn nhận thế nào về môi trường và tình hình xã hội hiện tại, và từ những quan sát của họ, chúng tôi cố gắng có được cái nhìn thoáng qua về tương lai.
Khi bắt đầu sưu tầm nghệ thuật, tôi có nhiều cơ hội để nói chuyện với các họa sĩ và chủ phòng tranh. Theo trải nghiệm của tôi, một trong những mối bận tâm lớn nhất của họ hầu hết là các tác phẩm sau khi bán sẽ được bảo mật khá riêng tư. Một là ngắm nhìn bởi chính chủ sở hữu, hai là trong những chuyến tham quan riêng biệt đến các nhà kho nơi chúng được lưu trữ trước khi bán lại cho những người khác. Đây là một vấn đề toàn cầu, nhưng điều này đặc biệt có vấn đề ở Nhật Bản.
Biên dịch: Vũ