Tin tức

Lạnh lùng, điềm tĩnh và tự chủ: Gặp gỡ thế hệ họa sĩ Nhật Bản mới (Phần 1)

Không gian mơ mộng là điểm chung gắn kết các tác phẩm nghệ thuật của Daisuke Fukunaga, Ulala Imai, Shota NakamuraYu Nishimura.

Một thanh niên đang thơ thẩn. Một chú gấu bông đang say sưa ngắm cảnh. Một hình người được bao quanh bởi những cây lá kim. Cảnh tượng người phụ nữ ngồi trên ghế đầy gợi cảm lại được thể hiện một cách lạnh lùng. Những bức tranh này là của bốn họa sĩ mới nổi sinh ra ở Nhật Bản vào những năm 1980: Daisuke Fukunaga, Ulala Imai, Shota Nakamura và Yu Nishimura.

Những người trong tranh của của bốn hoạ sĩ này ngủ, ăn, và làm việc. Những con búp bê vô tri và cả đồ ăn đều thấm đẫm đời sống nội tâm. Ám chỉ những giấc mơ, những bức tranh thanh tao này lơ lửng vô định giữa thế giới tưởng tượng và đời thực - từ ngữ có thể được sử dụng hơi quá mức nhưng phù hợp cho tất cả những gì đã bị bỏ qua hoặc bị gạt sang một bên.

Những bức tranh sống động, tươi sáng của Ulala Imai được gọt tỉa gọn gàng và chứa các vật thể văn hóa phổ biến trong các bối cảnh khác nhau. Những bức tranh của hoạ sĩ Imai thường đề cập đến hai chủ đề – thức ăn và thú nhồi bông, được nhân hóa thông qua quy mô ở cả bối cảnh trong nhà và ngoài trời, chẳng hạn như “Lost” (Đánh mất) (2023), mô tả một chú gấu bông mặc áo choàng đứng trong đầm lầy. Những bức tranh tĩnh vật mà Imai thực hiện ở một góc nhà mà hoạ sĩ chia sẻ với bốn thành viên khác trong gia đình, mang đến cho người xem cảm nhận về sở thích đơn giản nhưng chiết trung của hoạ sĩ đối với các loại trái cây và món tráng miệng khác nhau, như là vải Marimekko, cốc và đĩa Ả Rập, một lát bánh mì dày được nướng với lớp bơ phủ lên trên, quả bơ và các nhân vật nổi tiếng như Darth Vader, Chewbacca và Snoopy.

Hoạ sĩ Ulala Imai, Bức tranh “Memory” (Ký ức), 2023. Ảnh: Kei Okano (Nguồn: hoạ sĩ và Xavier Hufkens, cùng Nonaka-Hill)

Ở Nhật Bản, linh vật hay là những nhân vật mang tính biểu tượng, trung lập đi kèm với hầu hết mọi sản phẩm và dịch vụ. Các nhân vật này chiếm ưu thế trong các mối quan hệ xã hội vốn thường mang tính hình thức hóa cao. Các nhân vật trong tranh của Imai dường như thay thế con người và sàng lọc mọi bi kịch gia đình. Các món ăn cũng như các nhân vật đều được vẽ với hiệu quả đáng ngưỡng mộ và sử dụng tối thiểu các nét vẽ khéo léo, tạo nên những hình ảnh khiến người xem có cảm giác như hơi mất nét.

Imai tham khảo bức tranh măng tây của Édouard Manet và cuốn sách “In search of lost time” (Đi tìm thời gian đã mất) của Marcel Proust, làm nguồn cảm hứng. Tuy nhiên, các tác phẩm của Imai rất lạc quan và không có lời bình luận rõ ràng; các bức tranh về đồ ăn thường được báo chí địa phương miêu tả là 'ngon'. Bánh mì nướng, chuối, dứa, đào và thậm chí cả xúc xích đều gợi nên một cuộc sống tốt đẹp. Đây là những lễ kỷ niệm nhẹ nhàng và nghịch lý là gợi cho chúng ta nhiều tầng suy nghĩ về việc những thú vui đơn giản có thể thú vị đến như thế nào.

Hoạ sĩ Ulala Imai, Bức tranh “Butter toast” (Bánh mì nướng phết bơ), 2022. Ảnh: Kei Okano (Nguồn: hoạ sĩ và Xavier Hufkens, cùng Nonaka-Hill)

Những bức tranh của Yu Nishimura (cũng là đối tác của Imai và là bạn tốt nghiệp Đại học Nghệ thuật Tama ở Tokyo) rất đa cảm nhưng lạnh lùng hơn. Trong khi tác phẩm của Imai vẽ những con búp bê như thể chúng có thể sống, thì các bức tranh của Nishimura lại có những nhân vật được thể hiện đơn giản, tinh tế trông hơi giống những nhân vật trong manga và anime, mặc dù biểu cảm thì có vẻ trống rỗng hơn. Thông thường, chỉ một đường đơn và hơi góc cạnh là đủ để biểu thị mũi và đôi mắt đặt cao, như trong “Neon Girl” (Cô gái mặc đồ màu neon) (2021) và “Playback” (Phát lại) (2020). Một cái miệng nhỏ xíu sát cằm được gợi ý bởi một đường nét khác. Bảng màu của Nishimura thường dịu và xen kẽ là những màu mát mẻ khiến người xem liên tưởng đến mùa thu. Kết hợp với hiệu ứng làm mờ được tạo ra bằng cách sử dụng sơn, những bức tranh của Nishimura mang lại cho tác phẩm một tông màu u sầu.

Hoạ sĩ Yu Nishimura, Bức tranh “Under the umbrella” (Dưới ô), 2022. Ảnh: hoạ sĩ và Crèvecœur

Những lát cắt cuộc sống thiếu tập trung, hình ảnh như từ truyện tranh bước ra của Nishimura dường như không đề cập đến thực tế. Chúng xuất hiện giống như những bức tranh của ký ức, được thiết kế để gợi lên những điều thường ngày trong khi vẫn đủ không cụ thể để khơi dậy cảm giác mất đi tất cả. Một số bức tranh được sáng tác với hiệu ứng phơi sáng kép – đường viền của một nhân vật đang đi bộ được đặt trên các tòa nhà như trong “Town Scape) (Khung cảnh thị trấn) (2022) và “Under the umbrella” (Dưới chiếc ô) (2022), một nhân vật cầm một chiếc ô được đặt chồng lên một bức tranh cận cảnh trên khuôn mặt của một người đàn ông khi tuyết rơi xung quanh. Những cảnh trong tranh được coi là sự thể hiện của những dư ảnh đã ăn sâu vào tâm hồn, nhưng hiệu ứng tinh thần của chúng vẫn không rõ ràng. Hình ảnh của Nishimura hơi mờ nhạt lại còn hầu như không có tâm trạng.

Hoạ sĩ Yu Nishimura, Bức tranh “Reflection” (Phản chiếu), 2022. Ảnh: hoạ sĩ và Crèvecœur

Thái độ Blasé, một 'hiện tượng tâm linh đô thị' như nhà xã hội học Georg Simmel đã nói, đặc trưng cho các bức tranh của Nishimura và Imai. Việc cả hai đều là trẻ em của những năm 1980 có thể giải thích phần nào nhịp điệu trong tranh của hai hoạ sĩ. Trong thập kỷ hậu hiện đại đó, nhạc pop thành thị, một thể loại nhạc pop mang tính tổng hợp và xa cách về mặt cảm xúc, đã tạo ra những bản hit trên sóng truyền hình Nhật Bản và ảnh hưởng đến nhiều người. Hiện tượng văn hóa đại chúng pha trộn ảnh hưởng của phương Tây và phương Đông như nhạc pop thành thị tiếp tục tác động đến hoạt động sáng tạo của các hoạ sĩ và nghệ sĩ nói chung đến từ Nhật Bản.

Xem thêm phần 2 tại đây

 

Nguồn: https://www.artbasel.com/stories/new-generation-of-japanese-painters-daisuke-fukunaga-ulala-imai-shota-nakamura-yu-nishimura

Biên dịch: Huyền Trịnh

Viết bình luận của bạn:

Tranh vẽ theo yêu cầu. Chúng tôi nhận đặt vẽ tranh theo yêu cầu với thể loại và chất liệu đa dạng. Hãy để những bức tranh nói lên phong cách của bạn.

Tải ứng dụng ngay

Google Play App Store
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

icon icon icon