Tin tức

Họa sĩ Rosalind Nashashibi chia sẻ về bức tranh cô vẽ khi Chiến tranh Ukraine bắt đầu 

'Tôi bắt đầu vẽ bức tranh này vào ngày Nga xâm lược Ukraine, điều mà lẽ ra chúng tôi phải biết là sẽ xảy ra nhưng vẫn không muốn tin. Những cái chết trở đi trở lại - các quốc gia có chủ quyền đang chiến tranh với nhau. Tôi thường bắt đầu với một bộ phận, ví dụ như ở đây là hộp sọ ở phía sau, và con ong đang hút sự sống của bông hoa màu đen, hoặc cũng có thể là bông hoa đang hút sự sống của con ong. Sau đó, bức tranh sơn dầu phong cảnh trở thành kiểu tĩnh vật có bàn và đĩa, gợi nhắc đến những bức tranh vật cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20, với kiểu ánh sáng trong những bức tranh tĩnh vật sơn dầu và cảnh vườn của trường phái Ấn tượng và Hậu ấn tượng.

“Tôi đã dành rất nhiều thời gian để vẽ bức tranh này. Trong một khoảng nhất định, tôi đã khá thất vọng với nó. Hậu cảnh như thể vẫn đang chờ đợi những biến hóa mới mẻ, vì vậy tôi quyết định vẽ thêm vào góc trên của tranh – và những con thiên nga xuất hiện. Mô-típ dựa trên một vật trang trí nhỏ bằng pha lê những năm 1980 mà tôi tìm thấy trong một cửa hàng từ thiện, hai con thiên nga với những chiếc cổ lồng vào nhau, một thứ gì đó rất hào nhoáng nhưng cũng khá mềm mại, và theo một cách nào đó, thay đổi toàn bộ bố cục, khiến bức tranh trở thành một thứ trải nghiệm riêng tư hơn.

“Tôi gọi nó là Unstuck vì nó khiến tôi liên tưởng đến một trạng thái cắt dán, khi di chuyển các mảnh xung quanh trên tờ giấy và chúng đột nhiên khớp vào vị trí theo một cách không ngờ tới. Tôi quan tâm đến những thứ vượt qua ranh giới giữa những gì có thể chấp nhận được và những gì không - một hành vi “phạm quy” - biến một vật trang trí thành một chủ thể chính. Vì vậy, nội hàm của bức tranh sơn dầu không nằm ở vật thể, mà ở việc cố gắng tạo ra cảm giác chân thực thông qua một quá trình tạo nghĩa của riêng người họa sĩ.

'Những con thiên nga trở đi trở lại trong nhiều bức tranh sơn dầu thuộc sê-ri. Chúng đảm nhận vai trò, không chỉ như một chi tiết, mà như một thứ dấu hiệu, một “monogram”. Đó cũng là lý do tôi đặt tên cho các bức tranh là "Monogram" (tạm dịch: Dấu hiệu đặc trưng). “Monogram” nói về việc thể hiện một cái gì đó theo một cách rất giản lược, sự lồng vào nhau của các chữ cái hoặc một ký hiệu, mang một thứ quyền lực lớn hơn nhiều so với lẽ ra nó phải có. Ý tưởng về một ký hiệu đại diện cho toàn bộ hệ thống là điều khiến tôi quan tâm. Đến cuối cùng một ký hiệu và một hình ảnh khác nhau ở đâu, và mình du ngoạn giữa những kẽ hở của quy ước ấy bằng cách nào?

“Đối với tôi, hội họa là chắt lọc những mô-típ hoặc móc nối với chính nội tâm mình. Điều này cũng tương tự như cách tôi làm phim, mặc dù các công cụ và quy trình rất khác nhau. 

Tôi luôn cho phép bản thân theo đuổi và tin tưởng linh cảm để tạo ra một mô-típ, một thành tố hoặc cũng có thể là một nhân vật trong phim. Vì vậy, đây là một quá trình sáng tạo không đi theo hướng hữu hình hóa một ý niệm có sẵn, mà là vẽ trong cảm thức về một thứ gì còn khuyết thiếu. Tôi vẫn luôn cố gắng tách bạch giữa việc làm phim và vẽ tranh. Trong hội họa, tôi tìm thấy cảm giác kỳ diệu từ những tác động vật lý trực tiếp lên bề mặt tranh sơn dầu.'

 

Biên dịch: Minh Tâm

Biên tập: Thu Huyền

Nguồn: https://parisplus.artbasel.com/stories/one-work-unstuck-rosalind-nashashibi?_gl=1*1orvd9l*_ga*MTcxNjY0MzY3NS4xNjc4NTkxMzQ5*_ga_GZE6PFT72W*MTY4MzIxNzI0Mi4yMS4xLjE2ODMyMTczNzAuMC4wLjA

Viết bình luận của bạn:

Tranh vẽ theo yêu cầu. Chúng tôi nhận đặt vẽ tranh theo yêu cầu với thể loại và chất liệu đa dạng. Hãy để những bức tranh nói lên phong cách của bạn.

Tải ứng dụng ngay

Google Play App Store
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

icon icon icon