VN | EN

Tin tức

Gốm Vĩnh Hồng: Niềm tự hào của Quảng Ninh.

Vĩnh Hồng hiện là làng gốm cổ duy nhất ở tỉnh Quảng Ninh, nổi bật với các sản phẩm gốm chất lượng độc đáo và tinh xảo.

 

 

Khi đến thăm Vĩnh Hồng vào một ngày đầu đông tại thị xã Đông Triều, con đường dẫn vào làng thoang thoảng mùi đất nung từ những lò gốm đang cháy. Những đống đất sét được phủ vải bạt bên vệ đường, còn trong sân các ngôi nhà, bát đĩa sứ, bình gốm và các loại nồi niêu được bày bán khắp nơi.

Người dân cao tuổi cho biết nghề gốm của làng có từ thế kỷ 18, do những nghệ nhân tài ba từ huyện Gia Lâm, Hà Nội di cư đến đây.

Mặc dù không có lịch sử lâu dài như những làng gốm nổi tiếng như làng gốm Bát Tràng (Hà Nội), Hương Canh (Vĩnh Phúc) hay Chu Đậu (Hải Dương), nhưng sản phẩm gốm Vĩnh Hồng có thiết kế đẹp và độ bền cao.

 

Làng gốm truyền thống này vẫn giữ phương pháp nung gốm bằng củi.

“Khi nung bằng củi, sản phẩm rất bền vì lò luôn duy trì được nhiệt độ ổn định. Hơn nữa, chi phí thấp hơn nhiều so với lò gas. Lò gas không thể nung được nhiều sản phẩm lớn, trong khi lò củi có thể sản xuất nhiều sản phẩm lớn với giá hợp lý,” ông Trần Duy Hưng, chủ một cơ sở gốm truyền thống ở Vĩnh Hồng, cho biết.

“Theo tôi, gốm ở đây đều được nung trong 24 giờ với nhiệt độ dao động từ 1.200 đến 1.300 độ C, trong khi nhiều làng gốm truyền thống khác chỉ nung sản phẩm ở nhiệt độ 800 độ C. Vì vậy, sản phẩm của Vĩnh Hồng bền, dày và hoa văn không bị phai vì chúng được khắc trực tiếp lên sản phẩm, không phải vẽ trên men,” ông Hưng chia sẻ thêm.

Nghề gốm là nghề truyền thống của gia đình ông Hưng. Lò gốm của ông đã hoạt động hơn 20 năm, tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 10 công nhân với mức thu nhập trung bình từ 7-8 triệu đồng/tháng (tương đương 300-350 USD).

Theo ông Nguyễn Văn Hoàng, người đã làm việc với ông Hưng hơn 20 năm, để làm ra một sản phẩm gốm tốt, bước quan trọng nhất là chọn đất sét chất lượng và làm khuôn tốt. Nếu khuôn không chuẩn, sản phẩm có thể bị biến dạng, hoặc lớp phủ không phù hợp khiến sản phẩm bị nứt ngay khi cho vào lò.

Nghệ nhân Nguyễn Đình Cầu cũng cho rằng việc đổ khuôn rất quan trọng. "Nếu muốn có sản phẩm đẹp, trước hết phải có khuôn tốt và thiết kế đẹp."

Trước đây, toàn bộ làng Vĩnh Hồng làm gốm, nhưng lâu nay nghề này rơi vào trạng thái đình trệ do thiếu sản phẩm mới, thiết kế đẹp. Một số hộ gia đình đã chuyển sang nghề khác, và hiện nay chỉ còn 17 hộ gia đình duy trì nghề.

Ông Phạm Văn Thắng, bí thư Chi bộ Gốm Vĩnh Hồng và giám đốc Công ty Thắng Lan, cho biết làng đã chuyển sang sản xuất các loại bình lớn để đựng rượu, nước mắm, và chậu bonsai.

Điều này đã giúp mức lợi nhuận trung bình của mỗi hộ gia đình từ 20 triệu lên 30 triệu đồng mỗi tháng, tạo ra thu nhập ổn định từ 7-8 triệu đồng/tháng cho hàng trăm công nhân.

"Chúng tôi cũng đã có những buổi giao lưu để học hỏi kinh nghiệm, từ phương pháp sản xuất đến kế hoạch tiêu thụ gốm, và chia sẻ lẫn nhau. Tôi cũng học hỏi được nhiều ý tưởng hay từ các hộ gia đình xung quanh, và các hộ gia đình cũng học được kinh nghiệm làm gốm của tôi. Vì vậy, trong thời gian qua, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, chúng tôi vẫn duy trì ổn định sản xuất và tiêu thụ," ông Thắng chia sẻ.

 

 

Làng gốm Vĩnh Hồng là một làng nghề lâu đời, mang lại thu nhập ổn định và cải thiện đời sống người dân. Đây cũng là nghề mà ông Thắng gắn bó và đam mê suốt nhiều thập kỷ.

Để "giữ lửa" cho làng nghề, ông Thắng đã tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề miễn phí cho người dân địa phương, đặc biệt là cho trẻ em hoàn cảnh khó khăn. Hơn 100 người đã được đào tạo và bắt đầu sự nghiệp với sự chia sẻ tình yêu và kinh nghiệm làm gốm từ ông Thắng.

Sản phẩm làm ra từ Làng gốm Vĩnh Hồng không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài. Các hộ sản xuất gốm ở đây cũng đã hợp tác với nhiều nhà sản xuất gốm ở các địa phương lân cận để thành lập Hiệp hội Gốm Đông Triều, giúp đỡ nhau phát triển sản xuất và tiếp thị.

Trong tương lai gần, một khu vực sản xuất gốm rộng 20 ha sẽ được quy hoạch, và làng Vĩnh Hồng sẽ có điều kiện thuận lợi để phát triển mô hình kết hợp sản xuất và du lịch.

"Về gốm Đông Triều, chúng tôi xác định đây là một nghề đặc trưng, cần có các biện pháp bảo tồn và phát triển," ông Lê Văn Tình, Phó trưởng phòng Kinh tế UBND thị xã Đông Triều, cho biết.

"Trước hết, chúng tôi đã phê duyệt việc thành lập Hiệp hội Gốm Đông Triều và xây dựng thương hiệu chung của gốm Đông Triều. Thứ hai, chúng tôi phối hợp với cơ quan khoa học và công nghệ tỉnh để thành lập một trung tâm gốm trong khu vực; hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và hộ sản xuất mang sản phẩm tham gia các chương trình xúc tiến thương mại."

 

 

Nguồn tham khảo: Vĩnh Hồng pottery: pride of Quảng Ninh

Biên dịch: Hoàng Linh

Viết bình luận của bạn:

Tranh vẽ theo yêu cầu. Chúng tôi nhận đặt vẽ tranh theo yêu cầu với thể loại và chất liệu đa dạng. Hãy để những bức tranh nói lên phong cách của bạn.

Tải ứng dụng ngay

Google Play App Store
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

icon icon icon