-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Gỗ khắc nên hồn phố
Trên những con dấu khắc gỗ nhỏ xíu được chạm khắc bằng tay, một Hà Nội cổ kính dường như hiện lên trọn vẹn với từng góc phố, mái nhà, khuôn mặt con người và những câu chuyện cũ kỹ nhưng chưa bao giờ cũ trong lòng người yêu Hà Nội.
Nếu ngày xưa, Thạch Lam từng khiến người ta rung động qua những dòng văn thấm đẫm hoài niệm, hay Trịnh Công Sơn viết nên Hà Nội bằng những giai điệu mộc mạc và sâu lắng, thì hôm nay, người ta lại có thể cảm được tình yêu ấy qua từng nét khắc trên một con dấu gỗ thủ công - nhỏ bé nhưng đầy chất thơ.
Trên phố Hàng Quạt, giữa dòng người qua lại tấp nập, vẫn có một người đàn ông lặng lẽ ngồi bên quầy hàng nhỏ chỉ rộng hơn 1 mét vuông, ngày ngày khắc dấu gỗ. Đó là ông Phạm Ngọc Toàn. Ông kể, ngày trước từng dạy Vật Lý, nhưng vì cơ duyên và cả những đổi thay của đời sống, ông chọn gắn bó với nghề khắc dấu, rồi gắn bó luôn với góc phố này đã hơn 40 năm.
Sáng nào cũng vậy, ông và vợ - một cô giáo nghỉ hưu, lại cùng nhau mở tiệm, vừa làm việc, vừa trò chuyện với khách. Ông cười hiền: “Có hôm các bạn trẻ chỉ ghé vào xem, không mua gì cả, nhưng tôi vẫn thấy vui. Nói chuyện với mọi người là niềm vui mỗi ngày của vợ chồng tôi rồi.”
Dấu khắc gỗ có thể khắc đủ hình hài, nhưng ở đây, nhiều nhất vẫn là những biểu tượng thân quen của Hà Nội: tháp Rùa, chùa Một Cột, Nhà Thờ Lớn, hay bóng dáng thiếu nữ Hà thành trong tà áo dài và vành nón lá.
Con dấu là món đồ thủ công, nhưng lại như một tấm bưu thiếp tí hon gửi đi những ký ức, những tình cảm dành cho Hà Nội. Nhiều người nước ngoài đến tiệm, chọn vài con dấu khắc gỗ mang về làm quà. Có người đặt ông khắc riêng từng chiếc theo tên bạn bè, như một cách mang Hà Nội đi xa một cách đầy tình cảm.
Có lẽ, chính vì yêu Hà Nội nên ông Toàn mới dành từng lát gỗ, từng đường khắc để kể lại những gì ông thấy, ông nhớ, ông gìn giữ. Những con dấu tuy nhỏ, nhưng đủ sức khơi dậy ký ức và xúc cảm. Và trong một Hà Nội đang đổi thay từng ngày, tiệm dấu nhỏ ấy vẫn lặng lẽ ở đó, như một nhịp chậm giữa phố phường xô bồ - nơi người ta có thể ghé vào, ngắm một con dấu, và thấy lòng mình dịu lại.
Biên soạn: Hoàng Linh