Tin tức
Frank Wang Yefeng và hành trình lạc giữa sa mạc Gobi: Tái hiện ký ức bằng nghệ thuật tại Art Basel Hong Kong 2025
Tại Art Basel Hong Kong 2025, nghệ sĩ Frank Wang Yefeng sẽ mang đến một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt đa phương tiện độc đáo có tên gọi “Desert Garden” – lấy cảm hứng từ trải nghiệm có thật khi anh bị lạc giữa sa mạc Gobi ở Tây Bắc Trung Quốc. Tác phẩm được trưng bày trong khu vực Encounters của triển lãm, do giám tuyển Alexie Glass-Kantor phụ trách.
Hiện đang tham gia chương trình lưu trú nghệ thuật tại Shanghai Museum of Glass, Yefeng chia sẻ về hành trình sinh tồn giữa vùng hoang mạc khắc nghiệt, nơi anh đã từng tự nhủ: “Chỉ cần tiếp tục bước đi, bạn sẽ không bao giờ thật sự lạc đường.” Trải nghiệm cận kề ranh giới sinh – tử ấy đã trở thành nguồn cảm hứng mạnh mẽ để anh tạo nên “Desert Garden” – một không gian siêu thực gồm các sinh vật nửa hoa nửa thú và những thước phim được quay trực tiếp tại Gobi. Tác phẩm khơi gợi các chủ đề về di cư, cảm giác không thuộc về nơi nào và bản sắc của người sống giữa Đông – Tây.
Nghệ thuật xuyên biên giới: Từ điêu khắc truyền thống đến công nghệ đương đại
Frank Wang Yefeng trong xưởng vẽ tại New York. Ảnh: a015.
Khởi đầu tại Học viện Mỹ thuật Thượng Hải với nền tảng là điêu khắc theo phong cách hiện thực xã hội chủ nghĩa, Frank Wang Yefeng nhanh chóng bước ra khỏi khuôn mẫu hàn lâm bằng cách tiếp cận công nghệ số. Anh sớm làm quen với các phần mềm như Photoshop, Autodesk Maya để phát triển khái niệm “điêu khắc ảo”.
Sau khi chuyển đến San Francisco và theo học chương trình MFA tại School of the Art Institute of Chicago, Yefeng chính thức bước vào hành trình nghệ thuật mang tính liên ngành: từ vẽ, chuyển động mô phỏng (motion capture), in 3D, cho đến truyền thông thời gian thực (time-based media).
Tái hiện cảm xúc ngoại lai và bản thể lưu vong
Yefeng từng là giáo sư có học hàm tại Rhode Island College trong 9 năm, nơi anh phát triển chương trình truyền thông số cho trường. Tuy nhiên, cảm giác lạc lõng và đơn điệu trong cuộc sống hàng ngày cũng khiến anh đặt nhiều câu hỏi về vị trí của mình trong xã hội. Tác phẩm “Penthaus” (2017) phản ánh điều đó qua hình ảnh một chú heo hai chân trôi dạt trên biển đen, giữa những sinh vật quái dị – một thế giới kỳ lạ, hậu nhân loại, chất chứa cô đơn và phản kháng.
BIRDS Volume I, Frank Wang Yefeng, 2019. Tư liệu: nghệ sĩ.
Trong “BIRDS Volume I” (2019), anh đưa người xem vào những hoạt cảnh biếm họa đầy ám ảnh: chim biển lạc giữa đại dương, chim cút ở tiệc khai mạc triển lãm, hay đại bàng đầu hói mang hơi hướng chính trị... Những hình tượng động vật không chỉ là biểu tượng nghệ thuật, mà còn là ký ức tuổi thơ khi anh sống một mình – người bạn duy nhất là các món đồ chơi và truyện tranh. “Tôi từng phá hỏng búp bê chỉ để tìm xem bên trong có linh hồn hay không,” Yefeng nhớ lại.
Sự nghiệp quốc tế và đối thoại với định kiến
Pantheon of Octopi, Frank Wang Yefeng, 2024. Ảnh: 21 STUDIO.
Tại hội chợ nghệ thuật Art Basel Hong Kong 2024, Frank Wang Yefeng từng trình làng tác phẩm “Pantheon of the Octopi” – một không gian sắp đặt lấy hình tượng bạch tuộc để phản ánh định kiến về người châu Á trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Tác phẩm bao gồm điêu khắc biển sâu, phim ngắn và bản vẽ biến tấu từ sách “The Yellow Peril” (2014). Hình tượng bạch tuộc, trong tay Yefeng, trở thành biểu tượng lai ghép – vừa ngộ nghĩnh, vừa quái dị – mở ra không gian suy tưởng mới về bản sắc và cái nhìn của phương Tây về phương Đông.
“Desert Garden”: Lời mời gọi vượt qua bản ngã đô thị
Desert Garden, Frank Wang Yefeng, 2025 (phối cảnh). Tư liệu: nghệ sĩ. Tác phẩm sẽ được giới thiệu tại khu vực Encounters của Art Basel Hong Kong bởi Vanguard Gallery.
Trở lại với “Desert Garden”, tác phẩm tại sự kiện nghệ thuật Art Basel Hong Kong 2025 là kết quả từ hành trình lạc lối giữa thiên nhiên rộng lớn và cuộc tìm kiếm bản thể bên ngoài đô thị quen thuộc. Yefeng hợp tác cùng Jiyan.Lee Glass Art để tạo nên các điêu khắc hoa vô thực bằng thủy tinh – một sự kết hợp độc đáo giữa chất liệu truyền thống và thẩm mỹ công nghệ. Toàn bộ sắp đặt được trình bày bởi Vanguard Gallery, hứa hẹn sẽ trở thành điểm nhấn tại khu triển lãm nghệ thuật Encounters năm nay.
Qua dự án mới này, nghệ sĩ hy vọng khán giả sẽ chất vấn lại chính mình: Chúng ta là ai khi không còn được định nghĩa bởi môi trường đô thị? Chúng ta có thể vượt qua các trục chuẩn mực về con người, thời gian và không gian hay không?
Ngoại biên là nguồn gốc của sáng tạo
Trước khi kết thúc buổi trò chuyện, Frank Wang Yefeng trích lời triết gia Vilém Flusser: “Lưu vong, dưới bất kỳ hình thức nào, luôn là cái nôi của sáng tạo.” Và với Yefeng, việc bị lạc giữa sa mạc Gobi không phải là mất phương hướng – mà là điểm khởi đầu của một nghệ thuật mới, nơi ngoại biên trở thành trung tâm của suy tưởng nghệ thuật đương đại.
Nguồn: This artist got lost in the Gobi desert - and made an installation about it
Quỳnh Hoa