-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Ella Kruglyanskaya và triển lãm 'Shadows': khi hội họa trở thành cuộc đối thoại hài hước với lịch sử nghệ thuật
Với sự kiện nghệ thuật Shadows, phần mở đầu trong loạt ba triển lãm cá nhân trải dài suốt năm 2025, nghệ sĩ người Latvia đang sống tại New York – Ella Kruglyanskaya – không chỉ mang đến những bức tranh sống động, mà còn mời khán giả tham gia vào một cuộc đối thoại xuyên suốt lịch sử hội họa, trào phúng nhưng sâu sắc.
Lemondrama (After Manet), Ella Kruglyanskaya, 2024. © Ella Kruglyanskaya. Tư liệu: nghệ sĩ, Thomas Dane Gallery và Bortolami Gallery, New York.
Tại Thomas Dane Gallery ở London, Shadows phơi bày thế giới hình ảnh đầy mâu thuẫn của Kruglyanskaya – nơi các yếu tố cổ điển được tái chế bằng tinh thần hiện đại, và sự “thảnh thơi” trong nét vẽ ẩn chứa một sự lao động nghệ thuật nghiêm túc. Cô không chỉ vẽ lại các thể loại truyền thống như chân dung hay tĩnh vật, mà còn cài cắm các chi tiết kỳ quặc, đôi khi u tối, tạo ra cảm giác bấp bênh ngay trong những cảnh tượng tưởng như quen thuộc.
Odalisque with Lute and Apples, Ella Kruglyanskaya, 2024. © Ella Kruglyanskaya. Tư liệu: nghệ sĩ, Thomas Dane Gallery và Bortolami Gallery, New York.
Kruglyanskaya thừa nhận: cô không bị hấp dẫn bởi “đời thường” theo nghĩa đơn giản. Thay vào đó, điều khiến cô say mê là cách hội họa có thể “nuốt chửng” thế giới, biến một quả chanh, con dao hay dáng ngồi thành biểu tượng mang tính lịch sử – và cũng đầy mỉa mai. Trong tranh cô, một lát cắt bình thường của cuộc sống có thể chứa đựng cái chết, bi kịch, hay một trò đùa thị giác.
Điểm độc đáo trong tác phẩm của cô là lối tiếp cận “không cầu toàn”. Cô không quá trau chuốt từng nét cọ, mà thay vào đó là thái độ “quan sát nheo mắt”, như thể mọi thứ chỉ vừa lướt qua. Cách tiếp cận này không chỉ là một lựa chọn thẩm mỹ, mà còn là tuyên ngôn chống lại sự trưng trổ công sức – một dạng phản ứng với thế giới nghệ thuật ngày nay, nơi kỹ thuật không còn là giới hạn.
Melondrama (After Cotán), Ella Kruglyanskaya, 2025. © Ella Kruglyanskaya. Tư liệu: nghệ sĩ, Thomas Dane Gallery và Bortolami Gallery, New York.
Dù vậy, điều cốt lõi vẫn là tiếng cười. Với Kruglyanskaya, hội họa là hành vi “đáng ngờ” và vì thế cũng là mảnh đất màu mỡ cho hài hước. Khi đứng giữa thế kỷ 21, nơi các quy chuẩn cũ đã sụp đổ, cô đặt câu hỏi: điều gì vẫn còn ý nghĩa trong việc sáng tạo? Đáp án không hẳn rõ ràng, nhưng với cô, điều chắc chắn là cần có sự vui nhộn – ít nhất là để có thể trò chuyện với chính mình trong studio.
Loạt triển lãm tranh nghệ thuật ba phần của cô sẽ tiếp tục ở Basel và New York, nơi hai phần tiếp theo mang tên Folds và một phần vẫn chưa được tiết lộ. Dự án sự kiện nghệ thuật này được Kruglyanskaya xem như một hành trình co rút – một chuỗi hành động lùi lại, né khỏi tâm điểm, và suy ngẫm về chính vai trò của nghệ sĩ trong thời đại hiện tại.
Adventure (in Gray), Ella Kruglyanskaya, 2022. © Ella Kruglyanskaya. Tư liệu: nghệ sĩ, Thomas Dane Gallery và Bortolami Gallery, New York.
Ngoài tranh sáng tác, cô cũng chuẩn bị phát hành sách nghệ sĩ Too Much, tập hợp các thư hư cấu gửi đến độc giả, cùng những đoạn viết quan trọng với quá trình sáng tác trong bốn năm qua. Đây được xem là một phần mở rộng của triển lãm nghệ thuật – nơi ngôn từ cũng mang trọng lượng thẩm mỹ tương đương với hình ảnh.
Nguồn: ‘Humour is foundational’: artist Ella Kruglyanskaya on painting as a ‘highly questionable’ pursuit
Quỳnh Hoa