Tin tức

Edward O. Wilson: Người kế tục sự nghiệp của Darwin

Edward O. Wilson là một trong những nhà khoa học nổi tiếng nhất lịch sử hiện đại. Ông đã dành cả cuộc đời mình để nghiên cứu về thế giới tự nhiên, cũng như tích cực kêu gọi mọi người quan tâm nhiều hơn đến vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học.

Edward O. Wilson là nhà sinh vật học người Mỹ, một chuyên gia hàng đầu về kiến. Những nghiên cứu của ông về loài côn trùng nhỏ bé đã dẫn đến một số ý tưởng khoa học lớn nhất, hấp dẫn nhất trong thế kỷ 20 – đáng chú ý là cơ sở sinh học cho hành vi của con người, và bảo tồn đa dạng sinh học là chìa khóa cho sự tồn tại của hành tinh. Ông được mệnh danh là “người kế tục sự nghiệp của Darwin” trong lĩnh vực sinh học tiến hóa. Năm 2013, Hiệp hội Địa lý Quốc gia Mỹ đã trao cho ông Huân chương Hubbard, đồng thời gọi ông là “một trong những nhà tự nhiên học hàng đầu trong cả lĩnh vực khoa học và văn chương”.

“Ông ấy đóng vai trò quan trọng nhất trong việc nâng cao ý thức về đa dạng sinh học trong cộng đồng. Những công trình nghiên cứu xuất sắc của ông đã đóng góp cho nhân loại theo cách mà không ai trong số chúng ta có thể làm được”, Thomas Lovejoy, nhà sinh thái học nổi tiếng người Mỹ, người đã đặt ra thuật ngữ “đa dạng sinh học”, cho biết.

Edward O. Wilson (1929 – 2021). Ảnh: National Geographic.

Wilson sinh ra tại Birmingham, Alabama (Mỹ) vào ngày 10/6/1929. Lúc còn nhỏ, ông có sở thích khám phá những khu rừng và đầm lầy xung quanh khu vực Mobile. Sau một lần gặp phải chấn thương khi đi đánh cá, ông bị mù một mắt nhưng mắt còn lại có thị lực rất tinh tường. “Khả năng nhìn ở cự ly gần cực kỳ nhạy bén cho phép tôi tập trung vào những điều nhỏ nhặt. Tôi chú ý, quan sát kiến và những con bướm nhiều hơn những đứa trẻ khác”, Wilson chia sẻ.

Wilson theo học chuyên ngành sinh học tại Đại học Alabama. Năm 1955, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Đại học Harvard và bắt đầu nghiên cứu thực địa ở các vùng nhiệt đới của Cuba, Mexico, và sau đó là Nam Thái Bình Dương. Ông đã lập danh mục hàng trăm loài kiến mới. Cuối cùng ông quay trở lại Đại học Harvard với tư cách là người quản lý côn trùng tại Bảo tàng Động vật học So sánh (MCZ) và làm việc tại đó trong suốt quãng đời còn lại của mình.

Một trong những đóng góp quan trọng nhất của ông là việc xuất bản cuốn sách “The Theory of Island Biogeography” (Lý thuyết về Địa lý sinh vật Đảo) vào năm 1967 nhờ sự hỗ trợ của Robert MacArthur, một nhà sinh vật học tại Đại học Princeton. Cuốn sách đề cập đến kích thước của một hòn đảo với số lượng loài có thể sinh sống trên đó. Mặc dù nghiên cứu ban đầu của Wilson chỉ tập trung vào vùng đất với nước bao quanh, nhưng khái niệm này đã trở thành nền tảng của lĩnh vực sinh học bảo tồn (conservation biology) khi áp dụng cho các “đảo sinh cảnh” trên đất liền, hoặc khu bảo tồn đang bị đe dọa do sự phát triển của nông nghiệp và đô thị hóa.

Không lâu sau, Wilson và nhà toán học William Bossert (một đồng nghiệp của ông ở Đại học Harvard) đã giúp mở khóa bí mật về sự giao tiếp của kiến. Ông phát hiện chúng tiết ra những hợp chất hóa học gọi là pheromone. Vi sinh vật, thực vật và hầu hết các loài động vật đều sử dụng các tín hiệu mùi hương như vậy để truyền đạt thông tin.

Vào những năm 1970, nghiên cứu của Wilson về tập tính xã hội của kiến, ong và mối là tiền đề hình thành lĩnh vực sinh học xã hội, phá vỡ giáo điều phổ biến lúc bấy giờ cho rằng những đứa trẻ mới sinh ra như một tấm bảng trắng, chưa biết gì và toàn bộ nguồn tri thức được xây dựng dần từ trải nghiệm và tri giác về thế giới bên ngoài. Trong cuốn sách “The Insect Societies” (Tập tính xã hội của côn trùng), ông nhấn mạnh rằng các đặc điểm di truyền ảnh hưởng đến trí thông minh và đóng một vai trò quan trọng trong hành vi của động vật và con người, bao gồm cả sự hung dữ.

Wilson có thói quen viết lách mỗi ngày và ông đã xuất bản hơn 20 cuốn sách trong suốt sự nghiệp. Năm 1978, với mong muốn trả lời các nhà phê bình về sinh học xã hội, ông đã đề cập và mở rộng vai trò của sinh học đối với văn hóa con người trong cuốn sách “On Human Nature” (Bản chất Con người). Cuốn sách đã mở ra một hướng nghiên cứu mới gọi là tâm lý học tiến hóa. Chuyên luận đồ sộ của ông “The Ants” (Những chú kiến) với đồng tác giả là Bert Hölldobler đã trở thành cuốn sách duy nhất viết cho các nhà khoa học giành được Giải thưởng Pulitzer của Mỹ.

Các tác phẩm của Wilson gần như không bị giới hạn trong lĩnh vực khoa học thực nghiệm. Ông đã sử dụng thuật ngữ “Biophilia” trong cuốn sách cùng tên để mô tả mối quan hệ, hay sự kết nối giữa con người với thiên nhiên. Ông đã viết về vùng đất quê hương Mobile yêu quý của mình dựa trên văn học cổ điển. Ông cũng là tác giả của cuốn tiểu thuyết bán chạy “Anthill: A Novel” được xuất bản vào năm 2010.

Không chỉ là người nghiên cứu khoa học đơn thuần, Wilson cũng rất giỏi trong công tác quản lý. Ông đã thành lập Quỹ Đa dạng Sinh học E.O. Wilson và thực hiện nhiều dự án lớn. Trong số đó có dự án khôi phục Công viên Quốc gia Gorongosa ở Mozambique, nơi bị tàn phá nặng nề bởi các cuộc nội chiến và nạn phá rừng. Ông cũng tham gia vào việc xây dựng một công viên mới ở vùng đồng bằng Alabama, gần nơi ông sinh ra và lớn lên.

Wilson ủng hộ mạnh mẽ ý tưởng bảo tồn “nửa Trái đất”, kêu gọi loài người dành một nửa đất đai và biển trên hành tinh của chúng ta cho các loài khác – một mục tiêu mà ông khẳng định có thể và phải đạt được.

Wilson luôn nỗ lực tìm ra điểm chung giữa khoa học và đức tin. Trong tác phẩm “The Creation” (Sự sáng tạo), ông cho rằng khoa học và tôn giáo cần phải liên minh với nhau để ngăn chặn hiện tượng suy giảm đa dạng sinh học đang có xu hướng ngày càng tồi tệ hơn. “Bảo tồn đa dạng sinh học là việc làm cần thiết để giữ cho sự tồn tại lâu dài và ổn định của Trái đất và loài người”, Wilson cho biết.

Wilson qua đời tại Burlington, bang Massachusetts vào tháng 12/2021, hưởng thọ 92 tuổi. Trong suốt sự nghiệp, ông đã được trao hàng trăm giải thưởng lớn nhỏ, bao gồm cả Huân chương Khoa học Quốc gia.

Wilson luôn giữ vững tinh thần lạc quan của mình về một tương lai tốt đẹp hơn. Trong cuộc phỏng vấn với tờ National Geographic vào năm 2019, ông chia sẻ về ước mơ lớn nhất của mình: “Con người có một giá trị nhân văn. Chúng ta không phá hủy môi trường tự nhiên, thay vào đó là bảo vệ, nghiên cứu để hiểu và yêu môi trường – nơi chúng ta đã sinh ra. Các hệ sinh thái có khả năng tự hồi phục, mang lại cho chúng ta những lợi ích gần như vô hạn trong việc duy trì cuộc sống, thẩm mỹ và sức khỏe. Đây là điều mà chúng ta có thể hy vọng”.

Nguồn: https://khoahocphattrien.vn/kham-pha/chang-hoang-dagau-hanh-trinh-cua-hieu-biet-va-yeu-thuong/2021122910483805p1c879.htm

Viết bình luận của bạn:

Tranh vẽ theo yêu cầu. Chúng tôi nhận đặt vẽ tranh theo yêu cầu với thể loại và chất liệu đa dạng. Hãy để những bức tranh nói lên phong cách của bạn.

Tải ứng dụng ngay

Google Play App Store
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

icon icon icon