Tin tức

Cánh cửa dẫn vào văn hóa nông thôn

Chờ mãi rồi cuốn sách hoạ sĩ Phan Cẩm Thượng cũng được in xong vào cuối tháng 5.2011. Cuốn sách như một cánh cửa mở vào đời sống người dân Việt, vào văn hoá nông thôn Việt Nam.

Kiến tha lâu…

Hoạ sĩ, nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng có sức làm việc bền bỉ, các công việc luôn luôn cuốn lấy ông. Cứ như đời trước ông là một cái cối xay, cái cọn nước lúc nào cũng vận động nên bao năm nay theo đà, ông cứ liên tục rong ruổi một cách say mê. Mặc dù nhiều người biết có lẽ không ai trả lương cho những công việc đó.

Ông nối thời gian sống của mình bằng những chuyến đi, những bài viết, những cuốn sách. Làm việc theo hệ thống, cái khung chủ đề được dựng lên ban đầu cứ đầy lên theo năm tháng bởi những dữ liệu, lập luận, phát hiện và tổng kết. Tất cả như những viên gạch xây nên ngôi nhà to.

Sức ông bền bỉ và có ý thức giữ gìn sức khỏe để làm nên công việc tiến triển đều đặn. Ngày xưa đi nghiên cứu ở Tây Nguyên, có lần gặp suối nước sâu, ông vác cả xe máy lên vai lội qua. Lâu nay, lúc cùng học trò, lúc một thân một mình, ông vẫn "trường chinh" trên những chặng đường xa. Thế mà có cô phóng viên một lần hỏi tôi: Em nghe người ta bảo chú Thượng không biết đi xe máy hả anh?

Nghiên cứu mỹ thuật cổ, ông đi khắp các làng mạc với đình, chùa, đền và những nếp nhà truyền thống… Đi sâu một lĩnh vực, phải mở rộng, soi chiếu liên ngành, ông lại đi vào đời sống văn hoá, trong đó nông thôn là cả một không gian rộng lớn. Công việc lan toả ấy ngày càng thể hiện ông như một nhà nghiên cứu văn hoá cần mẫn. Đấy là một phần lý do cho sự ra đời cuốn sách "Văn minh vật chất người Việt", trước đó là "Nghệ thuật ngày thường" “Chùa Dâu và nghệ thuật tứ pháp”… và mai kia chắc còn những cuốn sách nữa.

Hiểu quá khứ để đi tiếp

Cuốn sách là cái nhìn bao quát đời sống người Việt từ nguyên thuỷ trải qua các thời kỳ, với những khảo sát, nghiên cứu và nhận định từ thế giới vật chất vô cùng phong phú trong tiến trình đó.

Từ hình ảnh chiếc thuyền, ngôi nhà mái cong trên trống đồng, đến những chiếc vòng đá đeo cổ, đến chiếc âu, cái liễn, đến cái dại cửa, cái bừa, chiếc cối xay, những mùa vụ, công việc đắp đê…, xuyên suốt là một lịch sử canh tác lúa nước, phát triển, cố kết nông thôn với bao nhiêu thói quen, tập quán.


Cuốn "Văn minh vật chất của người Việt" do NXB Tri Thức ấn hành tháng 5.2011.Nguồn : sachvui.vn

Sách sử dụng 959 ảnh và 505 hình vẽ. Lễ ra mắt cuốn sách được tổ chức vào 16 giờ ngày 31.5 tại Viet Art centre 42 Yết Kiêu, Hà Nội với sự tham gia của nhà phê bình Nguyễn Quân và hoạ sĩ Lê Thiết Cương.Tác giả đã đọc ra, trong từng nhóm đồ vật và khái quát qua thế giới đồ vật ấy, lấp lánh những rung động của đời sống văn hoá, đời sống tinh thần người dân Việt, nông dân Việt. Những vấn đề khoa học được tập hợp trong cuốn sách dày tới 664 trang, tưởng rất dễ "doạ" người đọc, nhưng ngôn ngữ lại dung dị, giàu liên tưởng, gợi hình dung và gây suy nghĩ.

Như khi ông nói về những chiếc bát thời Trần, chúng khá nặng so với sức nâng của tay người bây giờ, hay dáng hình thanh thoát, hoa văn tinh nhã của bát, lọ, âu, liễn… thời Lý, chúng phản ánh tinh thần phong phú, hiền hoà của người thời đó. Vậy chúng ta hôm nay có suy yếu và bớt lãng mạn đi chăng?

Chia sẻ với bạn bè, ông nói muốn làm một cuốn sách cho thanh niên để về sau các bạn trẻ hiểu được quá khứ. Cuốn sách của ông ngoài lượng thông tin, tri thức đồ sộ, chính là một cách học thú vị, một cách tiếp cận đời sống dung dị mà những lớp người mới ở nông thôn và cả thành thị, hôm nay và sau này, rất nên xem để hiểu, giữ gìn và ứng dụng các giá trị văn hoá.

Sâu hơn một chút, quan điểm và thái độ với văn hoá của tác giả qua cuốn sách cũng là một gợi ý để mỗi người đọc tự nhìn lại và chuẩn bị cho bước đi văn hoá của mình.

Quang Hưng

Nguồn : https://danviet.vn/canh-cua-dan-vao-van-hoa-nong-thon-777758536.htm

Viết bình luận của bạn:

Tranh vẽ theo yêu cầu. Chúng tôi nhận đặt vẽ tranh theo yêu cầu với thể loại và chất liệu đa dạng. Hãy để những bức tranh nói lên phong cách của bạn.

Tải ứng dụng ngay

Google Play App Store
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

icon icon icon