Tin tức

90 năm tranh lụa Việt Nam, mấy chú giải về lịch sử. Kỳ II: Các thời kỳ và các họa sĩ (P4)

3. Thời kỳ 1945-1975

Ở mọi thời kỳ, tranh lụa chưa bao giờ bị mất đi vị trí của nó, nhưng có thể nói, lụa không bao giờ có được vị trí gần như độc tôn như ở thập niên 1930 nữa.

Thời kỳ này, giống như lịch sử chung của nền hội họa Việt Nam hiện đại, tiến trình của tranh lụa cũng có thể chia thành hai giai đoạn: 1945-1954 và 1954-1975.

(Do sự hạn chế về tư liệu, trong bài viết này chủ yếu chỉ trình bày sơ lược diễn biến của tranh lụa ở miền Bắc và hy vọng sẽ có những nhà nghiên cứu khác bổ sung cho những tư liệu về tranh lụa ở miền Nam).

Giai đoạn 1945-1954: Trong Cách mạng Tháng Tám và trong cuộc kháng chiến chín năm chống thực dân Pháp, các họa sĩ vẫn tiếp tục vẽ tranh lụa, cho dù có ít hơn so với thời kỳ trước đó. Chỉ đơn cử, tại các cuộc triển lãm đáng ghi, đặc biệt tại các kỳ triển lãm mỹ thuật toàn quốc (1946, 1948, 1951, 1954) đều có sự góp mặt của tranh lụa cũng như các giải thưởng dành cho tranh lụa. Các họa sĩ vẽ lụa bắt đầu thay đổi cảm xúc để hướng lụa vào đời sống hiện thực sản xuất và chiến đấu khi đó. Tại các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn, số lượng tranh lụa được vẽ ở giai đoạn này cũng càng ngày càng được phát hiện nhiều thêm.

Lương Xuân Đoàn. Chiều trên đảo Hòn Tre. 1980. Lụa. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Sơn Trúc. Học múa. 1974. Lụa

Hoàng Minh Hằng. Bến Thuyền. 1994. Lụa

Giai đoạn 1954-1975: Bên cạnh một số họa sĩ xuất thân từ Thời kỳ Mỹ thuật Đông Dương, một số họa sĩ mới đầu tiên thành công với tranh lụa chính là các họa sĩ Khóa Kháng chiến (1950-1954), Khóa Tô Ngọc Vân (1955-1957) và mấy khóa tiếp theo của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam.

Phan Thông với tranh lụa “Hành quân mưa”, dung hòa lối vẽ thủy mặc và lối vẽ tự sự thành một phong cách hiện thực trữ tình vô cùng nên thơ. Tạ Thúc Bình vẽ “Góp thóc vào kho” tả vô vàn chi tiết sinh động bằng sự giản lược như của tranh khắc gỗ. Trọng Kiệm có “Ghé thăm nhà”, Ngô Minh Cầu có “Về nông thôn sản xuất”…Trần Đông Lương chỉ trong vòng một năm -1958- đã hoàn thành ba tác phẩm lụa quan trọng nhất của ông: “Bác sĩ- Anh hùng Lao động Phạm Ngọc Thạch”, “Tổ thêu” và “Tuổi xuân”, thể hiện một năng lực khác thường trong nghệ thuật chuyển những hình họa “thuần túy” lên nền lụa để có được những bức tranh mang tính hội họa…

Linh Chi đưa lụa vào những điệu thức trầm với những màu chín nục như của tranh lụa cổ, trong khi Mai Long đi vào phong cách “đẹp” bằng sự ngọt ngào của hình và những mảng màu trang trí, đôi khi vận dụng cả những yếu tố của phái lập thể…

Vũ Giáng Hương vẽ những cảnh sinh hoạt lao động và chiến đấu thành những bố cục không gian quy mô: “Hợp tác xã đánh cá về” và bộ tranh “Trường Sơn”. Thanh Ngọc có tranh lụa “Dân công chiến dịch Điện Biên Phủ”.

Đặc biệt Nguyễn Thụ, có thể được xem như một trong những đại diện xuất sắc nhất của hội họa lụa kể từ Nguyễn Phán Chánh. Từ loạt tranh khắc gỗ màu và đen trắng sáng tác vào những năm 1960, ông phát tác ngôn ngữ của đồ họa khắc vào tranh lụa để dần trở nên đặc sắc hơn bao giờ hết vào những năm 1970, 1980, 1990, trong mảng đề tài chủ đạo thiên nhiên, con người và cuộc sống ở các vùng núi cao Tây Bắc và Đông Bắc…

Ở miền Nam, người sáng lập ra Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn vào năm 1954 – ông Lê Văn Đệ- cũng rất chú trọng vào môn vẽ tranh lụa, như là một nhân tố thúc đẩy nghệ thuật hội họa lụa ở phía Nam. Các họa sĩ vẽ lụa ở miền Nam giai đoạn này có thể kể đến Tú Duyên (một họa sĩ kỳ cựu, cũng rất nổi tiếng về tranh thủ ấn họa), Ngô Văn Hoa, Trương Văn Ý, Nguyễn Hoàng Hoanh (vẽ tranh lụa theo chủ đề như lối dàn trang-mise en pages), Nguyễn Thị Tâm, Hiếu Hạnh, Đỗ Thị Tố Phượng, Đỗ Thị Tố Oanh…

Đỗ Phấn. Cảnh nông thôn. 1992. Lụa

Bùi Tiến Tuấn. Đêm hoan ca. 2017. Lụa

4. Thời kỳ từ 1975 đến nay

Vào giai đoạn đầu trước Đổi mới, hội họa Việt Nam gây choáng ngợp trước hết ở tranh sơn dầu, vì đây chính là điểm khai phóng mạnh nhất những ảnh hưởng đến từ bên ngoài, đặc biệt từ nghệ thuật “tư sản” phương Tây hiện đại, cho dù mãi đến giữa thập niên 1980 chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa mới thực sự hoàn tất.

Một số họa sĩ xuất thân từ các thời kỳ trước cũng đã quay trở lại hoặc bắt đầu quan tâm đến vẽ lụa, như: Công Văn Trung, Nguyễn Văn Tỵ, Lê Quốc Lộc, Sỹ Ngọc, Tạ Thúc Bình, Trần Duy, Năng Hiển vẽ những giai cảnh; Trần Lưu Hậu vẽ phong cảnh, Lê Huy Hòa vẽ thiếu nữ; Huỳnh Phương Đông, Thanh Châu vẽ chiến trận; Minh Mỹ, Huy Oánh, Mộng Bích, Kim Bạch, Hà Cắm Dì vẽ sinh hoạt, chân dung, tĩnh vật…

Các họa sĩ vẽ lụa thế hệ mới như Quách Đại Hải, Lương Xuân Đoàn, Lê Anh Vân tiếp tục vẽ “tranh đề tài” nhưng theo phong cách hiện đại. Đỗ Phấn, Hoàng Minh Hằng, Chu Thị Thánh, Mai San, Đỗ Thị Ninh, Lê Kim Mỹ, Sơn Trúc mỗi người một cách đem đến cho tranh lụa những không gian lạ.

Trong những năm 1980, tranh lụa có phần bị thương mại hóa, trở thành một món hàng lưu niệm, được vẽ rất sơ sài, sáo mòn, gây ra một quãng ngưng trệ tưởng như khó vượt qua.

Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, tranh lụa lại bắt đầu có những họa sĩ trẻ nỗ lực tìm tòi, đổi mới. Cho dù chưa có đủ thời gian để khẳng định giá trị, nhưng rõ ràng qua những tìm tòi, đổi mới này, lụa cũng lại bắt đầu có những chuyển biến đáng kể về phương thức tổ chức tri giác hội họa, rất đáng để kỳ vọng.

Về nguyên tắc, với bất cứ chất liệu nào người họa sĩ cũng đều có thể vẽ cụ tượng hay trừu tượng. Một số bức tranh lụa tối cổ đã được thời gian “trừu tượng hóa” trông lại càng có vẻ huyền bí và đầy sức quyến rũ. Lựa chọn chất liệu thích đáng cho nhu cầu và khả năng biểu hiện cũng là dấu hiệu của tài năng.

Tuy nhiên, giống như mọi chất liệu khác, lụa luôn luôn và bao giờ cũng ít nhiều mang tính “phụ thuộc cổ điển”, nó chi phối cả người vẽ lẫn người xem. Mẫu thức tiếp cận tác phẩm của người xem là cái người vẽ cần luôn luôn nghĩ tới, vì không có nghệ thuật không có người xem. Là một chất liệu hội họa truyền thống Á Đông, điều kiện tiên quyết đối với tranh lụa có lẽ ở tính “phi vật chất”, kỵ sự “chất đống”. Một số họa sĩ gần đây đã đưa tranh lụa vào hình thái mô tả mang tính vật chất và tự nhiên chủ nghĩa, hay nói khác đi, là đã “vật hóa” tranh lụa- như đi ngược lại bản chất của lụa.

Suy cho cùng, mọi kỹ pháp cho dù kỳ lạ đến mấy, hay mọi ảnh hưởng ngoại lai cho dù có tân kỳ đến thế nào- thì vẫn như từ xưa, không bao giờ có thể giải quyết hoàn toàn được nội dung của nghệ thuật. Cái mới, cái hay về hình thức phải tự thân nó mà ra, từ cảm xúc, từ “sự thiết yếu bên trong” của người nghệ sĩ. “Khi gạt luật bên ngoài đi, phải có luật bên trong rất mạnh. Nếu nói đúng cái cảm xúc chung quanh hiện thời, thì dẫu có trúc trắc, không vần, nghe vẫn lọt” (Nguyễn Đình Thi).

Biên tập: Thu Huyền

Trích: Hà Thái Hà - Tạp Chí Mỹ Thuật 13 tháng Tám năm 2019.

http://tapchimythuat.vn/my-thuat-hien-dai-viet-nam/90-nam-tranh-lua-viet-nam-may-chu-giai-ve-lich-su-ky-ii-cac-thoi-ky-va-cac-hoa-si/

Viết bình luận của bạn:

Tranh vẽ theo yêu cầu. Chúng tôi nhận đặt vẽ tranh theo yêu cầu với thể loại và chất liệu đa dạng. Hãy để những bức tranh nói lên phong cách của bạn.

Tải ứng dụng ngay

Google Play App Store
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

icon icon icon