VN | EN

    Không có sản phẩm nào.

Tin tức

4 nhiếp ảnh gia Nhật Bản tiên phong với góc nhìn táo bạo và kỹ thuật thể nghiệm

Nền nhiếp ảnh Nhật Bản từ lâu đã được biết đến với lịch sử thị giác phong phú, kỹ thuật truyền thông phát triển cao và cách tiếp cận tinh tế đối với các đề tài mang tính cấm kỵ. Trong những năm gần đây, nhiều triển lãm nghệ thuật tại châu Á và quốc tế đã dần đưa các nhiếp ảnh gia tiên phong của Nhật vào ánh sáng, nhấn mạnh tính thể nghiệm và sự đa dạng ngôn ngữ nhiếp ảnh mà họ theo đuổi.

Dưới đây là 4 nhiếp ảnh gia với cách tiếp cận mang tính cấp tiến, những người góp phần mở rộng giới hạn của nhiếp ảnh như một hình thức nghệ thuật đương đại.

 

1. Takuma Nakahira: Nhiếp ảnh như một hình thức phê bình xã hội

 

Untitled, Takuma Nakahira, 1968–1970 / 2025. Tư liệu: Each Modern © Gen Nakahira.

Untitled, Takuma Nakahira, 1968–1970 / 2025. Tư liệu: Each Modern © Gen Nakahira.

Takuma Nakahira (1938–2015) là đồng sáng lập của nhóm nhiếp ảnh và tạp chí Provoke, nổi bật với phong cách are-bure-boke – hình ảnh mờ nhòe, mất nét, mang tính chất phê phán xã hội mạnh mẽ. Dù sau đó ông từ bỏ hướng đi này, Nakahira vẫn tiếp tục phát triển nhiều thực hành mang tính khái niệm, như dự án Circulation: Date, Place, Events tại Biennale de Paris 1971 – một nhật ký thị giác cập nhật hàng ngày trên tường triển lãm.

Loạt ảnh Overflow của Takuma Nakahira, được trưng bày tại Liên hoan Nhiếp ảnh Quốc tế Hồng Kông, 2018. Tư liệu: Each Modern.

Một tác phẩm đáng chú ý khác là Décalage (1976) tại Pháp, nơi ông chụp 18 bức ảnh của một góc tường rồi in kích thước thật và treo lệch trên chính bức tường đó. Các dự án này đã phá bỏ cách tiếp cận ảnh như vật thể treo tường, thay vào đó là những triển lãm ảnh nghệ thuật mang tính tình huống, tồn tại trong bối cảnh cụ thể. Tại Nhật Bản, Nakahira được vinh danh trong một triển lãm nghệ thuật lớn mang tên Burn–Overflow tại Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại Quốc gia Tokyo năm 2024.

 

2. Nobuo Yamanaka: Trải nghiệm thời gian qua lỗ kim

Untitled (Manhattan in Pinhole (40)C), Nobuo Yamanaka, 1980. Tư liệu: Takuro Someya Contemporary Art. © Nobuo Yamanaka.

Untitled (Manhattan in Pinhole (15)E), Nobuo Yamanaka, 1980. Tư liệu: Takuro Someya Contemporary Art. © Nobuo Yamanaka.

Dù sự nghiệp kéo dài chỉ 12 năm, Nobuo Yamanaka (1948–1982) đã để lại dấu ấn qua thực hành nhiếp ảnh bằng máy chụp lỗ kim (pinhole). Trong loạt ảnh Machu Picchu in Pinhole, Manhattan in Pinhole, và Tokyo in Pinhole (1980–1981), ông tái hiện cảnh quan đô thị và thiên nhiên với ánh sáng dịu, tạo cảm giác như đang lặng lẽ quan sát thế giới.

Tại trung tâm nghệ thuật đương đại Galerie Liliane et Michel Durand-Dessert ở Paris năm 1977, Yamanaka biến cả không gian thành một chiếc máy ảnh khổng lồ bằng cách đặt giấy ảnh lên tường đối diện, ghi lại hình ảnh đảo ngược của cảnh bên ngoài. Loạt tác phẩm này được xem là suy ngẫm về thời gian và cái nhìn tĩnh lặng, gợi liên tưởng đến những triển lãm ảnh nghệ thuật đương đại đề cao quá trình và trải nghiệm.

 

3. Kunié Sugiura: Khi nhiếp ảnh gặp hội họa

 

TV Kabuki_A, Kunié Sugiura, 2024. Tư liệu: nghệ sĩ và Yutaka Kikutake Gallery.

Queens Village_A, Kunié Sugiura, 2024. Tư liệu: nghệ sĩ và Yutaka Kikutake Gallery.

Sinh năm 1942, Kunié Sugiura chuyển đến Mỹ từ năm 20 tuổi để theo học tại Học viện Nghệ thuật Chicago. Bị cuốn hút bởi khả năng vẽ bằng ánh sáng, bà đã phát triển loạt tác phẩm thể nghiệm như Cko, cùng loạt ảnh in lên vải bố (Photocanvas) từ năm 1968 đến 1971 – một kết hợp giữa nhiếp ảnh, vẽ tay và hội họa.

Kể từ cuối thập niên 1970, Sugiura theo đuổi thể loại photo-painting – tranh kết hợp hình ảnh nhiếp ảnh với màu acrylic hoặc bút chì. Trong loạt tác phẩm DG Photocanvas từ năm 2009, bà chuyển các hình ảnh địa chất sang vải bằng kỹ thuật in phun. Đặc biệt, chuỗi tranh triển lãm nghệ thuật photogram từ năm 1981 đến nay, với chủ thể là động vật sống như ếch, mèo hay lươn, tiếp tục đẩy giới hạn của nhiếp ảnh truyền thống bằng cách đón nhận yếu tố ngẫu nhiên và không kiểm soát.

 

4. Momo Okabe: Giao thoa giữa cơ thể, bản sắc và sự riêng tư

Từ loạt ảnh Dildo, Momo Okabe, 2013. Tư liệu: nghệ sĩ.

Từ loạt ảnh Bible, Momo Okabe, 2014. Tư liệu: nghệ sĩ.

Momo Okabe (sinh năm 1981) là một trong những nhiếp ảnh gia đương đại nổi bật của Nhật với phong cách cá nhân mạnh mẽ và chủ đề vượt khỏi giới hạn thông thường. Trong loạt Dildo, Bible, hay Il Matar, cô khắc họa những khoảnh khắc riêng tư của người thân – thường là nude hoặc bán nude – với ánh sáng màu lệch, tạo cảm giác phi thực.

Từ loạt ảnh Il Matar, Momo Okabe, 2020. Tư liệu: nghệ sĩ.

Tác phẩm của Okabe phản ánh chủ đề giới tính, sinh sản, và sự tổn thương thân thể như một quá trình chữa lành. Từ cảnh hậu động đất – sóng thần ở Tohoku 2011, đến phong cảnh mờ ảo trên núi, mọi khung hình đều ẩn chứa một lớp nội dung cảm xúc sâu lắng. Những tác phẩm của cô thường được trình bày trong các sự kiện nghệ thuật đương đại, đồng thời khơi gợi đối thoại tại các toạ đàm nghệ thuật về quyền riêng tư và bản sắc.

 

Nguồn: 4 radical Japanese photographers you need to know

Quỳnh Hoa

Viết bình luận của bạn:

Tranh vẽ theo yêu cầu. Chúng tôi nhận đặt vẽ tranh theo yêu cầu với thể loại và chất liệu đa dạng. Hãy để những bức tranh nói lên phong cách của bạn.

Tải ứng dụng ngay

Google Play App Store
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

icon icon icon