Tin tức

10 tác phẩm nổi bật nhất trong sự nghiệp danh hoạ Edward Hopper (Phần 1)

Edward Hopper (1892–1967) là một trong những họa sĩ vĩ đại nhất của nền hội hoạ Hoa Kỳ. Là danh hoạ hàng đầu của Chủ nghĩa Hiện thực Mỹ và nghệ thuật hiện đại, Hopper nổi tiếng với những bức tranh đầy suy tư của mình, trình bày những cảnh tượng độc đáo của Mỹ từ đầu đến giữa thế kỷ 20.

Tranh của Edward Hopper chủ yếu miêu tả các cảnh quan đô thị và những cảnh sinh hoạt hàng ngày của những con người bình thường. Các chủ thể của ông, thường là các nhân vật nữ được lấy hình mẫu từ vợ ông và cũng là họa sĩ, Josephine Hopper, thường được sắp đặt trong trạng thái yên tĩnh hoặc cô độc. Sự tương tác giữa ánh sáng, bóng tối và các góc cạnh trong tác phẩm của ông nhấn mạnh các chủ đề về sự cô đơn và suy ngẫm. Phong cách nghệ thuật của Hopper đã trở thành một biểu tượng, khiến trải nghiệm xem các bức tranh của ông thực sự đặc biệt. Hôm nay, hãy cùng điểm qua 10 tác phẩm nổi bật trong sự nghiệp của danh hoạ Edward Hopper.

  1. Nighthawks (1942)

Edward Hopper, Nighthawks, 1942

"Nighthawks" là bức tranh nổi tiếng nhất của Hopper. Có lẽ bạn đã từng thấy nó ngay cả khi bạn không biết gì về nó hay về người hoạ sĩ đã vẽ nên nó. Và giống như phần lớn tác phẩm của Hopper, nó đặt ra nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời.

Quán ăn đêm khuya khép kín, không có lối vào hay lối ra. Có bốn nhân vật trong khung hình: một người đàn ông ngồi một mình, một cặp đôi ngồi đối diện qua quầy bar, và một nhân viên phục vụ ở phía bên kia của quầy. Không có gì xảy ra bên trong quán ăn và trên đường phố bên ngoài. Mặc dù cảnh tượng mê hoặc, có một chút bất an, ánh sáng và bố cục lại tạo một cảm giác dịu dàng, thoải mái. Mỗi lần tương tác với bức tranh mang lại điều gì đó mới mẻ để khám phá hoặc suy ngẫm cho người xem.

Đây là một tác phẩm không thể bỏ qua tại Viện Nghệ thuật Chicago và là một tác phẩm nghệ thuật Mỹ tuyệt vời, huyền thoại.

  1. New York Movie (1939)

Edward Hopper, New York Movie, 1939

“New York Movie" (tạm dịch: “Bộ phim ở New York") là một trong những bức tranh buồn nhất của ông và cũng là bức hoạ có bố cục nổi bật với ánh sáng và bóng tối đầy kịch tính. Giống như hầu hết các  vật nữ của ông, người phụ nữ này được dựa trên vợ của Hopper, Josephine. Dựa vào trang phục của cô, người phụ nữ này dường như là một người dẫn đường trong rạp chiếu phim, một công việc đã bị lãng quên ngày nay. Cô nghiêng người dựa vào tường, tay chống cằm, như đang suy nghĩ hoặc đang nhìn màn hình bên trái, xem một bộ phim không thể nhận ra.

Đây là một tác phẩm tuyệt đẹp mà bạn có thể cảm nhận rõ ràng hơn nếu bạn đắm chìm trong sự hồi tưởng mà nó mang lại về thời kỳ xem phim cổ điển. Hopper yêu thích điện ảnh, và "New York Movie" là cách thể hiện tình yêu đó của ông một cách tài tình.

  1. Automat (1927)

Edward Hopper, Automat, 1927

Tác phẩm "Automat" (tạm dịch: “Quán ăn tự động") của Hopper được tạo nên với một địa điểm đã không còn tồn tại, các quán ăn tự phục vụ của nước Mỹ thế kỷ 20, và một nữ chính cô đơn khác. Có rất nhiều điều để suy ngẫm từ tác phẩm này, và một lần nữa, tất cả đều là những câu hỏi chứ không phải câu trả lời.

Không có nhiều chi tiết trong khung cảnh ngoại trừ một người phụ nữ ăn mặc chỉnh tề ngồi tại bàn mặt đá cẩm thạch với một chiếc găng tay trên tay. Cô ấy là ai? Cô ấy đang đi đâu, hay đã từ đâu đến? Tại sao cô ấy lại cô đơn một mình ở quán tự phục vụ này? Những ánh đèn phản chiếu trong cửa sổ tối dường như kéo dài vô tận. Đây là một tác phẩm đẹp và gợi nhiều suy tư.

  1. Early Sunday Morning (1930)

Edward Hopper, Early Sunday Morning, 1930

Tác phẩm "Early Sunday Morning" (tạm dịch: “Sáng sớm chủ nhật") tình cờ nhận được sự quan tâm từ người dân New York trong thời kỳ đại dịch năm 2020–2021. Mặc dù bức tranh của Hopper được sáng tác từ năm 1930, nhưng nó lại giống một cách đáng sợ những con phố của thành phố New York trong thời gian phong tỏa. Tuy nhiên, Hopper dường như đang truyền đạt một điều gì đó rất khác. Các biển hiệu trên cửa sổ các cửa hàng nhỏ được vẽ không rõ ràng, và cột cửa hàng cắt tóc là dấu hiệu duy nhất của bất kỳ doanh nghiệp cụ thể nào.

Không có dấu hiệu của sự sống trên đường phố hay đằng sau những chiếc rèm trắng của các cửa sổ. Nó dường như là một bức tranh về nước Mỹ bình dị mà thiếu vắng con người Mỹ. Và vào năm 1930, nó có thể đại diện cho thành phố ngay sau Sự sụp đổ của Thị trường Chứng khoán năm 1929. Nó có thể khiến bạn cảm thấy bất an hoặc yên bình, và đó là điều tuyệt vời nhất của "Early Sunday Morning". Thậm chí, những lần xem lại bức tranh có thể mang lại những cảm giác khác nhau.

  1. Room in New York (1932)

Edward Hopper, Room in New York, 1932

Cảm giác rình mò của “Room in New York” (tạm dịch: “Căn phòng ở New York") xuất phát từ thói quen của Hopper khi nhìn lén qua cửa sổ các căn hộ xung quanh nhà mình ở quảng trường Washington. Ông quyết định góc nhìn, ánh sáng và chủ đề của bối cảnh thông qua các bản phác thảo. Kết quả là một tác phẩm mơ hồ khác liên quan đến một cặp đôi trong căn hộ. Nó chứa “trường mù” mà Hopper thường xuyên đưa vào các bức tranh của mình.

Người đàn ông bên trái ngồi cúi xuống, đọc báo, trong khi người phụ nữ ngồi cách đó chỉ vài bước chân bên phải, ngón tay chạm vào phím đàn piano. Góc nhìn bị cắt xén, giống như một chiếc máy quay đang phóng to, mang lại cho chúng ta một cái nhìn hạn hẹp về cặp đôi này. Chuyện gì đang xảy ra giữa họ? Thoạt nhìn, dường như có một không khí căng thẳng giữa họ. Nhưng sau khi xem xét kỹ hơn, có thể không phải vậy. Như tất cả tác phẩm của ông, Hopper truyền cảm hứng cho chúng ta quan sát kỹ hơn.

 

Nguồn: Daily Art Magazine

Xem tiếp phần hai tại đây.

Viết bình luận của bạn:

Tranh vẽ theo yêu cầu. Chúng tôi nhận đặt vẽ tranh theo yêu cầu với thể loại và chất liệu đa dạng. Hãy để những bức tranh nói lên phong cách của bạn.

Tải ứng dụng ngay

Google Play App Store
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

icon icon icon