-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
10 nghệ sĩ trừu tượng có sức ảnh hưởng nhất mọi thời đại
Đã hơn một thế kỷ kể từ khi trừu tượng nổi lên như một trường phái chính và thống trị thế giới nghệ thuật trong một thời gian dài. Nó vẫn là một khía cạnh quan trọng của nghệ thuật đương đại và các ví dụ điển hình có thể được tìm thấy tại các bảo tàng nghệ thuật hàng đầu của NYC, bao gồm MoMA, Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, Guggenheim và Whitney. Nguồn gốc của nghệ thuật trừu tượng bắt nguồn từ thế kỷ 19 với sự xuất hiện “nghệ thuật vị nghệ thuật” - một triết lý lập luận cho ý tưởng rằng hội họa và điêu khắc nên tự giải phóng khỏi chủ nghĩa tự nhiên để tập trung vào bản chất của nghệ thuật. Nhưng bất kể ai đã tạo ra nó, nghệ thuật trừu tượng đã thay đổi cơ bản toàn bộ lịch sử nghệ thuật. Theo dõi bài viết của chúng tôi để khám phá các nghệ sĩ trừu tượng có sức ảnh hưởng lớn nhất mọi thời đại.
1. Vasily Kandinsky (1866–1944)
(Vasily Kandinsky, Black Lines (Schwarze Linien), 1913)
Trước năm 1913, Vasily Kandinsky theo đuổi nghệ thuật tạo hình, nhưng ông là một trong số những họa sĩ đầu tiên thúc đẩy sự trừu tượng thuần túy, hay như ông nói, “nghệ thuật không phụ thuộc vào những quan sát của một người về thế giới bên ngoài”. Ông đặc biệt tin rằng màu sắc có thể tách biệt khỏi tất cả các tham chiếu bên ngoài và trở thành một chủ đề cho nghệ thuật. Cuốn sách năm 1910 của ông, "Về tinh thần trong nghệ thuật" đưa ra các lý thuyết và trở thành một trong những tuyên ngôn nghệ thuật của Chủ nghĩa Hiện đại thế kỷ 20.
2. Piet Mondrian (1872–1944)
(Piet Mondrian, Broadway Boogie Woogie, 1942-43)
Cùng với Picasso, Mondrian được biết đến là họa sĩ theo phong cách nghệ thuật hiện đại, và chỉ cần nhắc đến tên của ông, ngay lập tức liên tưởng đến một trong những tác phẩm hình học mang tính biểu tượng gồm các hình vuông màu cơ bản được bao quanh bởi các đường vuông góc màu đen, đậm. Giống như nhiều người theo chủ nghĩa hiện đại đầu tiên, Mondrian bắt đầu làm việc theo nhiều phong cách khác nhau, ông chịu ảnh hưởng của Chủ nghĩa Hậu Ấn tượng, của Seurat và Van Gogh qua các tác phẩm ở vùng nông thôn Hà Lan. Tuy nhiên, công việc của ông được thúc đẩy bởi mong muốn được giao cảm tâm linh với thần thánh. Đến năm 1913, nghệ thuật của ông càng có xu hướng trừu tượng. Tuy nhiên, phải đến những năm 1920–21, ông mới quyết định được phong cách mà mình yêu thích nhất.
3. Kazimir Malevich (1878–1935)
(Kazimir Malevich, Suprematist Composition: Airplane Flying, 1915 )
Chỉ vài năm sau Kandinsky, Kazimir Malevich từ bỏ hội họa đại diện cũ vào năm 1915, và tạo ra tác phẩm đầu tiên trong số những tác phẩm theo trường phái Siêu việt của mình (được đặt tên như vậy vì sự tập trung của tác phẩm vào “sự vượt trội của cảm giác hoặc nhận thức thuần túy trong nghệ thuật hình ảnh”). Phong cách mà ông theo đuổi cũng mệnh danh là “chủ nghĩa hiện thực mới của họa sĩ”, đặc trưng với các khối hình học màu nổi trên nền trắng với các tác phẩm như Hình vuông đen (1915) và Bố cục siêu hình: Trắng trên nền trắng (1918). Tuy nhiên, việc Stalin lên nắm quyền sau cái chết của Lenin vào năm 1924, nghệ thuật trừu tượng bị coi là một hình thức suy đồi tư sản, dẫn đến một chiến dịch đàn áp, cuối cùng Malevich buộc phải quay trở lại với nghệ thuật tượng hình.
4. Lyubov Popova (1889–1924)
(Lyubov Popova, Painterly Architectonic, 1917)
Chủ nghĩa Bôn-sê-vích tán thành bình đẳng giới, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi một số nữ nghệ sĩ đứng vào hàng ngũ những nghệ sĩ tiên phong của Liên Xô thời kỳ đầu - Lyubov Popova cũng nằm trong số đó. Là một tín đồ của Malevich, bà cũng là một nhà thiết kế và là một thành viên chủ chốt của phong trào Kiến tạo, nơi tán thành việc gắn nghệ thuật vào việc cải cách xã hội. Vay mượn hình thức kiến trúc mạnh mẽ của Chủ nghĩa Kiến tạo, bà mô tả các bức tranh của mình là "công trình xây dựng" bằng màu sắc và đường nét.
5. Mark Rothko (1903-1966)
(Mark Rothko, Painting No 21 (red Brown Black and Orange), 1951)
Sinh ra ở Latvia, Mark Rothko cạnh tranh với Jackson Pollock và Willem de Kooning cho danh hiệu nghệ sĩ theo trường phái Trừu tượng Biểu hiện nổi tiếng nhất. Tuy nhiên, xét về phong cách, tác phẩm của Rothko khác với Pollock và De Kooning ở cách ông khuếch tán sơn ra khắp bức tranh thay vì để nó ở một điểm. Rothko đặt các đốm màu mở rộng xếp chồng lên nhau trên nền sơn dọc theo các cạnh của bố cục. Sự tương phản về màu sắc tạo ra những rung động thị giác khiến hình của Rothko dường như lơ lửng trong không gian. Chuyển tâm trạng thành màu sắc, Rothko nhằm mục đích khơi gợi phản ứng cảm xúc ở người xem.
6. Jackson Pollock (1912–1956)
(Jackson Pollock, One: Number 31, 1950)
Là gương mặt của Chủ nghĩa Trừu tượng Biểu hiện và là nghệ sĩ lớn của Mỹ thời hậu chiến, Pollock nổi lên vào cuối những năm 1940 và đầu những năm 1950 với những bức tranh nhỏ giọt đặc trưng. Chúng được tạo ra trong quá trình sáng tạo bùng nổ từ năm 1947 đến năm 1950 tại New York. Kỹ thuật của ông đã được Hans Namuth ghi lại. Xuất hiện trong tạp chí với tiêu đề “Anh ấy có phải là họa sĩ đương thời vĩ đại nhất ở Hoa Kỳ?”, Pollock đã đạt được một mức độ nổi tiếng mà không ai sánh kịp cho đến khi Andy Warhol nổi lên vào những năm 1960. Bị rối loạn tâm thần nhiều năm bao gồm cả chứng nghiện rượu, Pollock đã chết bi thảm trong một vụ tai nạn ô tô vào năm 1956.
7. Agnes Martin (1912–2004)
(Agnes Martin, With My Back to the World, 1997)
Sinh ra ở Saskatchewan, Agnes Martin thường được gọi là người tiên phong của Nghệ thuật Tối giản. Tuy nhiên, bà tự coi mình là một người theo trường phái Trừu tượng Biểu hiện với các tác phẩm có bố cục lưới và các dải sơn nhiều sắc thái. Bà chia sẻ sự nhấn mạnh của Newman vào việc khơi gợi phản ứng cảm xúc - thậm chí là biểu hiện từ người xem về ý tưởng nắm bắt cảm xúc của nghệ sĩ trong một cử chỉ. Trong trường hợp của Martin, điều đó có nghĩa là tìm kiếm một trạng thái hoàn hảo trong công việc của bà.
8. Joan Mitchell (1925–1992)
(Joan Mitchell, Untitled, 1992)
Joan Mitchell là một phần làn sóng “thế hệ thứ hai” của những người theo trường phái Trừu tượng Biểu hiện, một phần đã làm dịu đi, một phần là sự tấn công hiện sinh của những người sáng lập trước đó, mang phong cách theo hướng trữ tình hơn. Việc sử dụng tạo hình vẫn là một thành phần quan trọng trong tác phẩm của những họa sĩ làn sóng này, và trong tay của Mitchell, chúng gợi liên tưởng đến phong cảnh và tĩnh vật. Bị ảnh hưởng bởi Paul Cézanne, Claude Monet và Vincent van Gogh, Mitchell gần như một người theo trường phái Hậu Ấn tượng. Bà ấy đã dành phần lớn sự nghiệp của mình để sống và làm việc tại Pháp.
9. Ellsworth Kelly (1923–2015)
(Ellsworth Kelly, Colors for a Large Wall, 1951)
Trong những năm 1950, trong khi Chủ nghĩa Trừu tượng Biểu hiện vẫn còn ở đỉnh cao, Ellsworth Kelly bắt đầu trưng bày những bức tranh sơn dầu đơn sắc, bừng sáng có phong cách trái ngược với những họa sĩ như Pollock và Willem De Kooning. Ở nhiều khía cạnh, ông là một người ngoại đạo trong thời kỳ này, theo cả nghĩa bóng và nghĩa đen khi ông phát triển óc thẩm mỹ của mình khi sống ở Paris, nơi ông chuyển đến vào năm 1948. Sự khám phá của ông về mối quan hệ giữa hình thức và màu sắc khác với các nhà trừu tượng trước đó và Chủ nghĩa Trừu tượng Biểu hiện. Tác phẩm của Kelly đã tạo nên âm hưởng cho nền nghệ thuật sau đó, bao gồm Chủ nghĩa tối giản, Hội họa góc cạnh, Trường màu và thậm chí cả nghệ thuật Pop.
10. Bridget Riley (sinh năm 1931)
(Bridget Riley, Quiver 3, 2014)
Mọi người cho biết họ cảm thấy say sóng hoặc chóng mặt khi xem tác phẩm của họa sĩ người Anh Bridget Riley. Các tác phẩm nổi tiếng nhất của bà có các đường vân đan xen màu đen và trắng, được đặt gần nhau, tạo ra các mô hình chuyển động và rung động. Riley là người dẫn đầu phong trào Op Art, phát sinh vào những năm 1960 và có chung xu hướng tạo nên sự tinh tế về thị giác với một phong cách khác của thời kỳ đó: Pop Art.
Nguồn: https://www.timeout.com/newyork/art/best-abstract-artists-of-all-time
Biên dịch: Trang Hà
Biên tập: Minh Liên