-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Phan Cẩm Thượng và “Nghệ thuật ngày thường”
Xa-đi, cái ông thông thái đất Ba Tư đời nảo đời nào, để lời rất hay: “Nếu sống được 90 năm thì 30 năm đầu nên dùng để học, 30 năm tiếp theo nên dùng để đi, 30 năm cuối để viết”.
Đại khái, nên hiểu rằng muốn viết, trước đó nên học và đi..., mà cũng phải tự thu xếp, chứ mấy ai sống được đến 90. Đỗ Phủ chả đã viết: “Người thọ bảy mươi xưa nay hiếm” (Nhân sinh thất thập cổ lai hy) đó ư?
Học là học, đi cũng là học - Đi một ngày đàng, học một sàng khôn - mà lại. Chán nhất là mấy tay “thần đồng”, chửa học chửa đi gì, đã viết! Văn vẻ, nói kiểu Tản Đà, cứ “nhạt phào”! Cố để không nhạt thì dễ tầm thường, mà tầm thường, thì cũng là nhạt.
Phan Cẩm Thượng học nhiều, đi nhiều và viết nhiều, càng viết càng hay. Cái chất lượng học và đi của người ta, cộng thêm thiên tính, đức chăm chỉ với lối làm khoa học, hóa ra có thể giúp phá khung cái công thức “30 - 30 - 30” kia một chút.
1. Phan Cẩm Thượng ít hơn tôi dăm bảy tuổi, nhưng tôi vẫn nể trọng gọi là Phan tiên sinh, bây giờ viết, thì thích viết là Họ Phan, cho nó cổ kính, nhưng dứt khoát không phải đồ cổ giả.
Họ Phan học viết chữ Nho lúc 10 tuổi, từ việc “vẽ” phướn hộ một nhà sư già ở chùa Lý Quốc Sư. Chả hiểu đó đã là tiền duyên chưa mà sau này, Họ Phan bỏ nhà nhiều năm, lên sống ở chùa Nhạn Tháp, Bắc Ninh - Kinh Bắc xưa.
Họa sĩ - nhà phê bình nghệ thuật Nguyễn Quân, người Việt Nam đầu tiên đoạt giải Grim, do dịch văn học Đức và truyền bá văn hóa Đức, thầy dạy Họ Phan thời Đại học Mỹ thuật Hà Nội, kể rằng, khi vấn đáp tuyển Họ Phan vào khoa lý luận, thầy chỉ hỏi: “Cậu có thể ngồi đọc sách 4 tiếng liền được không?”, Họ Phan đáp: “Được ạ!”, thế là đỗ vào, chả phải vấn đáp gì nữa. Học nghiên cứu - lý luận - phê bình mà thiếu cái năng lực ngồi dai như đỉa trước sách, là không được.
Sau, Họ Phan trở thành học trò xuất sắc của thầy Nguyễn Quân, ở lại giảng dậy môn này ở trường, cho đến khi đọc được một câu rằng: “Bệnh của con người là muốn làm thầy thiên hạ”, bèn từ bỏ nghề dạy học, vì “không khéo, hằng năm nhai lại những điều cũ rích và cái gì không biết thì lấp liếm”. Cả hai thầy trò nhà này, thế là thầy trước trò sau, đều bỏ dạy “cơ hữu” ở trường, đi viết và vẽ tự do, là đồng tác giả của mấy cuốn sách quý, ví như “Điêu khắc cổ Việt Nam”, “Mỹ thuật ở làng”, và chỉ “thỉnh giảng” những gì mình thạo, thích.
Từ giã khoa cử hẹp hòi và nhiều vô vị để tự do tự tại sống và làm ra một sự nghiệp hữu ích, cũng đáng mặt là nam tử Việt. Những người như thế, không ít nhưng cũng không nhiều. Sau mấy quyển sách viết chung với thầy nói trên, Họ Phan riêng làm những cuốn, cũng rất hay, ví như “Văn minh vật chất của người Việt”, “Tập tục đời người”, “Nghệ thuật ngày thường” phần một và bây giờ, là phần hai.
2. Ở cái phần hai này, Họ Phan chia sách mình thành 6 hồi: Suy nghĩ về nghệ thuật, Nghệ sĩ, Đời sống ngày thường, Văn hóa sử và Tản văn nhàn đàm (không kể Lời nói đầu và Thay lời kết).
Trừ hồi Tản văn nhàn đàm, thì cả 5 hồi trước, cảm quan/cảm hứng ngập tràn từng câu từng chữ trong sách Họ Phan, là số phận của văn hóa và nghệ thuật, nghệ sĩ trong sự thay đổi không ngừng, khi tốt khi xấu, của văn minh; dù là ở một làng, một tộc người, một vùng, cả nước hay thế giới.
Có người bảo, văn minh là những gì cầm, nắm, sờ, ngửi được và có thể dùng hằng ngày để thỏa mãn những tiện nghi thường nhật. Nó ngày một tinh vi; Văn hóa là tinh hoa tích tụ của văn minh, còn lại trong lòng người ta sau khi đã mai một gần hết và vì thế, nó cao hơn văn minh; Văn hiến thì còn ghê gớm hơn, muốn thấy, phải đào đất lên mới thấy.
Đi khắp nơi, sống với, quan sát và ghi chép văn minh đương thời của nhiều làng xã, nhiều vùng và tộc người, Họ Phan như kẻ viết du ký, cho ta biết ở chân Trường Sơn, người Ka Tu sống thế nào; ở Kinh Bắc cổ, người ta đang làm gì; ở các xứ Thái, Mường, những “người đồng thời” của ta có “chân dung” vật thể “đương đại” ra sao v.v... Rồi vượt qua quan sát/du ký, Họ Phan giở lại mọi tập tục xưa nay của họ, gọi tên văn hóa gốc của họ, suy xét xem chúng còn/mất, sứt sẹo thế nào? Lý do và hậu quả ra sao? Cuối cùng, Họ Phan kiến giải, đề xuất đầy băn khoăn/bất lực, từ lịch sử gần (chiến tranh, bao cấp) và rất gần (thị trường); những cách chữa chạy chúng. Còn nếu chỉ “Xin lỗi và hy vọng, thì vốn chả để làm gì”.
Những điều thú vị trong sách này của Họ Phan rất nhiều, cả nghe ngay được và cả còn có thể bàn thảo. Ví dụ: “Nếu tính từ nền văn hóa Đông Sơn đến đầu thế kỷ 20, nước ta có hơn 2.500 năm xây dựng một nền văn hóa dân tộc. Thế nhưng trong khoảng thời gian dài ấy, hình thái nghệ sĩ không xuất hiện, không có các cá nhân được lưu danh tên tuổi như những nghệ sĩ độc lập... Họ chỉ là phường thợ, thợ thủ công, không nhận mình là tác giả, không ký tên vào tác phẩm, rồi những quy ước chung của nghệ thuật phong kiến và tôn giáo một lần nữa yêu cầu phường thợ làm theo mẫu mã, không cần sáng tạo gì cả, dẫu vậy thì một nền nghệ thuật dân tộc cũng hình thành.
Từ khi có Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, những nghệ sĩ có tên tuổi ra đời, nhưng tiếc thay từ đó, nghệ thuật Việt Nam lại luôn dựa dẫm vào các trường phái phương Tây. Các cá nhân từ đó núp bóng các bậc thầy phương Tây. Các nghệ sĩ trẻ loanh quanh thế nào rồi cũng không giống Tây thì giống Tàu.
Sự suy tưởng nội tại không được chú ý, những nhu cầu nội tại bị phương Tây và Mỹ hóa, cuối cùng lại thành ra một thứ cá nhân có tính toàn cầu, cùng nói tiếng Anh, tiêu đôla, cùng làm trình diễn, sắp đặt và tạo ra sự suy thoái nghệ thuật dưới góc độ của một cá nhân sáng tạo... Con người cá nhân mới được biết đến ở phương Đông, lại luôn có hướng trở thành một ông vua mới, những con người chỉ thích dân chủ cho riêng mình.
Các đại gia thích lộc vừng thì cả vùng lộc vừng đi tiêu, đại gia thích hòn non bộ thì bao nhiêu hang động bị chặt cụt nhũ đá... Các cá nhân cũng dễ chết trong một xã hội dân chủ như trong xã hội phong kiến vậy...” (Con người và cá nhân).
Ví dụ: “Hội họa trong nước đã từng có cơ hội ra thế giới trong thập kỷ 1990 và 10 năm sau đó, nhưng tiếp theo lại là một cuộc triệt thoái toàn diện bởi những cơ hội kinh doanh vặt vãnh và sự thờ ơ của các bảo tàng và nhà sưu tập trong nước. Việc không có Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại ở Việt Nam không chỉ thiệt thòi đối với giới nghệ thuật mà chính là đối với nền văn hóa Việt Nam khi chính nó từng thực sự đạt những thành tựu cao sau chiến tranh, mà nhanh chóng bị tản mát và thất lạc trong các sưu tập rẻ tiền và các gallery tầm thấp...” (Biết mình trong nền điêu khắc đương đại).
Ví dụ: “Văn hóa, đại để gồm hai phần rõ ràng, phần thượng tầng bao gồm cái tam giác triết học - nghệ thuật - tôn giáo; phần hạ tầng là đạo đức - ứng xử xã hội - lễ hội cộng đồng... Khi một nền văn hóa tụt dốc thì hai cái tam giác kia rất xộc xệch và đảo ngược các giá trị nội tại. Ví dụ triết học mờ mịt, tôn giáo mê muội, nghệ thuật đồi trụy, là một cách tụt dốc...” (Biến động văn hóa thập kỷ đầu tiên).
Ví dụ: “Lại câu chuyện làng tôi, đã có Hội Phụ lão, lại có Hội Bảo thọ, Hội Người cao tuổi - đều là hội người già. Một làng nhỏ xíu với non ngàn dân, số người thường xuyên tham gia hội hè chừng 200. Thế mà còn ngần này hội nữa: Hội Khuyến học, Hội Sinh vật cảnh, Hội thơ Sao Khuê, Hội Các già (lên chùa), Hội Thả chim, Hội Cờ tướng, Hội Bóng bàn, Hội Cầu lông, Hội Hán Nôm, Hội Cựu chiến binh, Hội Tù Côn Đảo, Hội Phụ huynh... và mươi hội đồng niên, đồng học tùy theo từng lứa tuổi, ấy là chưa kể các hội chính thức như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ. Rất vui vẻ, phấn khởi, trừ việc vài khu công nghiệp đang thập thò chiếm đất ruộng”. (Chuyện ba thôn) v.v... và v.v...
3. Hồi cuối, Tản văn nhàn đàm, được Họ Phan viết tự do nhất, cá nhân nhất, thì cũng văn chương nhất. Ông Cống mù chữ mà minh triết; sư ông, sư cụ, bà vãi, anh Hưng và ba chú tiểu với ba con chó ở chùa Nhạn Tháp; ông đại úy, “người tham nhũng đáng yêu nhất”; Nam tử Hán Lê Quốc Việt; sư cụ chứa cả cô đồng “mình trần như nhộng” trong chùa; ông thợ cắt tóc viết trường ca; điêu khắc gia Lê Công Thành chỉ tuân lệnh “Ngài”; thi sĩ Lâm Huy Nhuận đọc thơ cho... ma nữ; cô giáo quyết “không để sổng người yêu lần nữa”; tay nhà giáo ấu dâm, sau lễ trấn yêu, dương vật đang “quá cỡ” chợt “teo lại như quả ớt” v.v..., có nhiều len lỏi của chất Bồ Tùng Linh, Vũ Trọng Phụng vào Họ Phan. Đó là những thấu cảm nhân văn sâu sắc, lại đầy hài hước, áp sát hoặc đã là văn học, tùy người gọi; một thứ văn học lãng tử, lão thực, trần trụi, ngơ ngác - “Thánh hiền cũng sợ cao sâu phật giời” mà lại.
Đôi khi, nhìn tướng mạo và xem chữ Họ Phan, tôi thấy Họ Phan giống người trong thơ Vũ Quần Phương: “Những cụ già ngồi chép chữ Nho/ Dáng trầm mặc như những pho tượng cổ/ Trông phảng phất giống hòn non bộ/ Những sợi râu mờ như khói sương”. Họ Phan, người và chữ, cũng cho ta thấy kỳ thú như là “Kỳ hoa, dị thảo, quái thạch, cổ thi” vậy. Họ Phan tư duy từ văn hóa, văn hiến, tâm trạng, tâm linh mà cũng chẳng xa lạ gì với thế giới phẳng.
Những việc, những chuyện, những người, những cảnh trong sách Họ Phan nhiều, nếu phải nhặt riêng chúng ra từng loại, thì giống hệt như cô Tấm phải ngồi nhặt gạo ra khỏi đống thóc trong truyện Tấm Cám. Cho nên, tốt nhất là hãy đọc sách. Đọc một cuốn sách hay cũng giống như là được trò chuyện với một nhà thông thái - người xưa bảo thế.
Nguồn: https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/phan-cam-thuong-va-nghe-thuat-ngay-thuong-622798.ldo