VN | EN

Tin tức

MAI TRUNG THỨ - Thiếu nữ chơi đàn Nguyệt (Lady Playing a Nguyet Cam)

MAI TRUNG THỨ (1906 - 1980)
Lady Playing a Nguyet Cam (Thiếu nữ chơi đàn Nguyệt)
1943
ký tên bằng con dấu của họa sĩ năm 1943
mực và màu trên lụa căng trên bìa cứng bristol

73 x 61 cm
28 6/8 x 24 in.

Tác phẩm được kèm theo giấy chứng nhận tác phẩm độc quyền bằng ảnh do Henri Joly cấp, ngày 7 tháng 12 năm 1943.

Nguồn gốc
Galerie Henri Joly, Paris
Được chủ sở hữu cũ mua lại trực tiếp từ địa chỉ bên trên trước năm 1950
Do đó được truyền lại đến chủ sở hữu hiện tại

Trưng bày
Paris, Galerie Henri Joly, Trois Peintres Indochinois, 1943.

Văn chương
Olivier Quéant, Le Confort à la Campagne - Sự thoải mái ở vùng quê, Plaisir de France - Niềm vui của nước Pháp , số 170, tháng 5 năm 1952, tr.42, minh họa đen trắng.

Mai Trung Thứ, còn được gọi là Mai Thứ, được nhiều người ca ngợi là một trong những người tiên phong của nền hội họa hiện đại Việt Nam. Ông thuộc lớp tốt nghiệp đầu tiên (1925-1930) của trường Mỹ thuật Đông Dương - École des Beaux-Arts de l'Indochine (EBAI) danh giá ở Hà Nội thuộc địa. Tại ngôi trường này, sinh viên được các giảng viên nghệ thuật người Pháp khuyến khích thử nghiệm với các phương tiện/ chất liệu truyền thống của Việt Nam - đặc biệt là sơn mài và lụa - để tạo ra các tác phẩm nghệ thuật kết hợp các kỹ thuật và lý thuyết nghệ thuật phương Tây với chủ đề và thẩm mỹ địa phương. (1) Trước khi thành lập EBAI, hội họa ở Việt Nam chủ yếu được coi là một loại hình nghệ thuật thuộc "Trung Quốc"; tuy nhiên, EBAI và người sáng lập Victor Tardieu đã đóng những vai trò quan trọng trong việc biến sơn mài và lụa thành các chất liệu hội họa hiện đại được sử dụng để sáng tác mỹ thuật. (2) Từ năm 1930, tác phẩm thuộc lớp đầu tiên của EBAI đã bắt đầu được lưu hành và bán ở Paris và nước ngoài, và do đó những tác phẩm này thường đáp ứng thị hiếu của thị thành và nỗ lực biểu đạt các hình ảnh hiện đại. (3) Phong cách hội họa của Mai Thứ được đặc trưng bởi những cách tiếp cận không theo khuôn mẫu và mang tính sáng tạo cao.

Chủ nhân trước đó mua lại bức Thiếu nữ chơi đàn Nguyệt trực tiếp từ gallery của Henri Joly (1876-1957) ở Paris vào những năm 1940. Bức tranh đã được giới thiệu cùng với các tác phẩm khác của Mai Thứ, Lê PhổVũ Cao Đàm trong một cuộc triển lãm nhóm mang tên Ba họa sĩ Đông Dương (Trois Peintres Indochinois) vào tháng 12 năm 1943 tại phòng tranh của Henri Joly, trước đây gọi là Galerie Hessel. (4) Điều này có thể cho chúng ta một cái nhìn sâu sắc về hành trình nghệ thuật của Mai Thứ tại Châu Âu. Paris, thủ đô của thế giới nghệ thuật hiện đại từ thế kỷ 19, đã thu hút các nghệ sĩ cấp tiến và đầy khát vọng từ khắp nơi trên thế giới trong nửa đầu thế kỷ 20. Lê Phổ, Vũ Cao ĐàmMai Thứ - sau này được gọi chung là "Bộ ba của nghệ thuật Việt Nam ở Paris". (5) Cũng rời Việt Nam và định cư ban đầu ở Paris vào cuối những năm 1930, với hy vọng phát triển và hưởng lợi từ môi trường nghệ thuật đa dạng, nơi họ có thể tích cực tham gia vào các cuộc triển lãm ở nhiều salon và phòng trưng bày khác nhau.

Mai Thứ đã dành hơn nửa cuộc đời mình ở Pháp. Trong thời gian ở Mâcon từ năm 1940 đến năm 1942, công việc của ông đã trải qua một sự thay đổi lớn — ông từ bỏ sơn dầu trên toan và bắt đầu tập trung phần lớn công sức của mình vào việc tạo ra những tác phẩm tinh tế trên lụa, một chất liệu châu Á mới lạ thu hút khán giả ở đô thị tại thời điểm đó. Công việc ươm tơ và quay tơ trong nhà, theo truyền thống được thực hiện bởi phụ nữ ở phía Nam Trung Quốc và Việt Nam, đòi hỏi trình độ cao. Hơn nữa, chất lượng độc đáo của lụa, chẳng hạn như cảm giác mềm mại và khả năng hút ẩm tạo ra các sắc thái màu tinh tế, làm toát lên vẻ nữ tính nhã nhặn như được thể hiện trong bức tranh Thiếu nữ chơi đàn Nguyệt.

Tại cuộc triển lãm năm 1943, nơi bức tranh này được giới thiệu, Mai Thứ được nhìn nhận như một họa sĩ đầy tình cảm và nỗ lực đưa những cảnh đời thường từ cuộc sống hàng ngày lên tác phẩm. (6) Trong tác phẩm Thiếu nữ chơi đàn Nguyệt, trọng tâm của bức tranh là một thiếu nữ duyên dáng đang chơi đàn Nguyệt, một loại nhạc cụ hai dây của Việt Nam có hình dáng tròn như mặt trăng. Uyển chuyển mà trữ tình, bức tranh không chỉ đem lại sự hòa quyện giữa hình ảnh và âm thanh, mà còn mời gọi người xem trải nghiệm khoảnh khắc thân mật và phù du được ghi lại trong tác phẩm.

Bức tranh này nói lên niềm đam mê âm nhạc của Mai Thứ và vai trò của ông như là một nhạc sĩ tài ba. Trong những năm học tại Cố đô Huế từ năm 1931 đến năm 1937 với tư cách là một giáo viên mỹ thuật trường trung học, ông đã chơi thành thạo sáo trúc và đàn bầu (độc tấu cẩm) -, nhạc cụ truyền thống của Việt Nam. Sau khi Mai Thứ sang Pháp, ông thường xuyên biểu diễn trong các buổi hòa nhạc và thậm chí còn thu âm album Musique du Viet-nam cùng với nhà nghiên cứu âm nhạc Việt Nam lỗi lạc Trần Văn Khê. Trong một cuộc phỏng vấn từ năm 1967, Mai Thứ chia sẻ rằng ông đặc biệt thích nghe nhạc truyền thống Việt Nam khi sáng tác các bức tranh của mình. (7) Vì vậy, ông ấy đã nỗ lực không ngừng để kết hợp các yếu tố âm nhạc và ý tưởng nghệ thuật vào ca khúc của mình.

Mai Thứ cũng sử dụng các kỹ thuật quan trọng của phương Tây trong công đoạn sáng tác ra bức tranh Thiếu nữ chơi đàn Nguyệt. Bố cục của bức tranh dường như tuân theo quy tắc một phần ba; cô gái — chủ thể chính — dường như bị kéo về phía bên phải trung tâm bức tranh, trong khi những  người phụ nữ khác ngồi quay lưng lại phía người xem được đặt ở phía bên trái để tạo sự cân bằng thị giác. Mặc dù là điểm khởi đầu của bức tranh, nhân vật chính được vẽ không nhìn trực diện vào người xem; Tuy vậy, ánh mắt của người phụ nữ còn lại lại nhìn vào nhân vật chính, hướng người xem tác phẩm sẽ phải chú ý tới nhân vật chính. Hướng linh hoạt và các góc từ chân tay của hai nhạc công tạo ra chuyển động nhịp nhàng trong bố cục, cho phép người xem đi theo đường thị giác do nghệ sĩ định sẵn và di chuyển tự do xung quanh bức tranh. Ở đây, ánh mắt trầm ngâm, tách biệt của nhân vật chính đóng vai trò như một phương tiện giao tiếp hấp dẫn giữa người xem và tác phẩm nghệ thuật, với giai điệu đàn nguyệt mơ màng bay bổng trong không trung.

Nguồn: https://www.bonhams.com/auctions/27242/lot/17/ 
Biên dịch: Khanh
Biên tập: Hiếu - Huyền

 

Viết bình luận của bạn:

Tranh vẽ theo yêu cầu. Chúng tôi nhận đặt vẽ tranh theo yêu cầu với thể loại và chất liệu đa dạng. Hãy để những bức tranh nói lên phong cách của bạn.

Tải ứng dụng ngay

Google Play App Store
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

icon icon icon