-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Cuộc trò chuyện với Phan Cẩm Thượng về "Nghệ thuật ngày thường"
PHAN CẨM THƯỢNG VỚI “NGHỆ THUẬT NGÀY THƯỜNG”
Tuy cuốn sách đã xuất bản cách đây vài năm nhưng vẫn có tính thời sự nhất định và có ý nghĩa với những người yêu thích văn hóa nghệ thuật. Các bạn đọc quan tâm có thể đến và đặt câu hỏi cho tác giả, cũng như trao đổi đàm thoại trực tiếp với ông.
"Nghệ thuật ngày thường” của Phan Cẩm Thượng được giới văn nghệ sĩ trân trọng và tìm đọc ngay từ khi ra mắt đầu tháng 6 vừa qua. Không phải chỉ vì “thương hiệu” Phan Cẩm Thượng trong lĩnh vực nghiên cứu mỹ thuật nói riêng và văn hóa nói chung mà còn vì đây là cuốn sách tập hợp những bài báo viết trong thời gian ông “ở ẩn” và thể hiện với một giọng viết rất “ngày thường”. Vẫn bộ râu để dài, nụ cười hiền, Phan Cẩm Thượng chia sẻ nhiều điều về cuốn sách…
Thưa ông, “Nghệ thuật ngày thường” thể hiện một phong cách khác với những công trình nghiên cứu lớn trước đây như “Điêu khắc cổ Việt Nam”, “Đồ họa cổ Việt Nam”… Xin ông chia sẻ về sự ra đời của cuốn sách?
Cái tên là do tôi đặt. Nghệ thuật gì cũng xuất phát từ cuộc sống ngày thường. Cuốn sách tập hợp những bài báo của tôi từ năm 2000 đến năm 2007, tuy nhiên cũng có một số bài chưa từng in. Trong đó thực sự phải cảm ơn những năm tháng khó khăn, vì nó, tôi phải xé lẻ một số công trình nghiên cứu, “gia công” thêm để gửi báo. Nhân đây cũng xin cảm ơn nhà nghiên cứu trẻ Nguyễn Anh Tuấn và Phan Tường Linh đã lưu trữ và sưu tập những bài viết của tôi nhiều năm qua. Quả là cuốn sách có khác với những công trình tôi làm trước đó. Nhưng những bài báo khi được tập hợp thành những chủ đề cũng có khả năng phản ánh bức tranh tương đối rộng về đời sống văn hóa – nghệ thuật những năm gần đây. Đó là điều tôi ưng ý nhất.
Nhiều người cho rằng lối viết “ngày thường” đã tạo sức hấp dẫn cho một cuốn sách đề cập tới các vấn đề của nghệ thuật? Ông có vất vả khi thay đổi cách viết không?
Khởi đầu từ việc trò chuyện với cô con gái, tôi thấy muốn chuyển tải những vấn đề nghệ thuật tới sinh viên, giới trẻ thì cần viết ngắn, vui, nhưng vẫn phải có kiến thức. Từ đó tôi viết nhiều ở dạng này và cũng không thấy khó khăn gì cả. Những bài trong phần Tản văn nhàn đàm thuộc dạng như vậy. Hay đối với cả những phần như Suy nghĩ về nghệ thuật cũng có thể viết kiểu “làm văn” như bài Cái bát.
Tuy nhiên, chất nghiên cứu trong “Nghệ thuật ngày thường” vẫn rất đậm nét?
Thì phần lớn những bài viết này được “xé” từ những công trình nghiên cứu của tôi. Nhiều bài phải viết đi viết lại rất nhiều lần, có khi cả tháng trời như Thế giới vô cùng vạn vật giai không. Hay có những bài tương đối rõ nét về nghiên cứu như Thập mục ngưu đồ. Những loạt bài về thị trường nghệ thuật, Sau lũy tre làng… cũng đều là những vấn đề rất “nặng”. Chỉ có điều, khi nghiên cứu nghệ thuật bao giờ cũng cần đề cập tới nền tảng xã hội. Có người sau khi nghiên cứu bỏ phần xã hội đi, còn mình thì đưa thêm vào.
Cuốn sách này có thể là một gợi ý để ông tiếp tục công việc nghiên cứu của mình dưới những hình thức khác?
Sau khi ra mắt cuốn sách, tôi thấy mình cần thay đổi tư duy viết sách. Một cuốn sách nghiên cứu công phu như Điêu khắc cổ Việt Nam có giá trị riêng của nó, nhưng 500.000đ/cuốn từ cách đây gần 10 năm là món tiền không nhỏ. Làm thế nào để người ta vừa dễ đọc lại vừa dễ mua. Điều này có thể gợi cho tôi cách viết sau này, bởi lẽ nghiên cứu có sâu, có hay nhưng không chuyển tải được nhiều tới người đọc thì quả là lãng phí.
Họa sỹ Phan Cẩm Thượng và nhà văn Bùi Ngọc Tấn ở New York. Ảnh: Vũ Duy Mẫn
ĐƯỜNG ĐẾN VỚI NGHỆ THUẬT
Một bài viết của ông trong cuốn Nghệ thuật ngày thường (theo blog Vũ Duy Mẫn)
Với ý tưởng đào tạo con người toàn diện, nền giáo dục Việt Nam tự chuốc lấy một gánh nặng è vai. Một học sinh được gọi là giỏi thì phải giỏi cả toán lý hóa, văn sử địa. Kết thúc phổ thông thì có sẵn một bộ đề và đáp án thi vào đại học, cho cả người thi lẫn người chấm. Những con vẹt đi thi và những con vẹt chấm thi, vai trò của vận dụng và sáng tạo không có ý nghĩa gì cả. Kết quả là một nghịch lý, ai học giỏi một, hai môn thì có cơ hội tiến bộ, còn lại thì coi như toi cơm và muốn làm gì thì phải tự học lại từ đầu, học dốt là may mắn vì còn có thể sửa chữa được. Nhiều nền giáo dục từng mắc sai lầm này, và đã thay đổi quan niệm: một học sinh giỏi tức là giỏi một môn và các môn khác đạt trung bình.
Bên cạnh kiến thức khoa học tự nhiên và xã hội, kiến thức nghệ thuật qua hai môn nhạc họa từ lâu được đưa vào trường phổ thông, trước đây là thứ yếu nay đã dần quy củ. Lực lượng giảng dạy trước chủ yếu từ học sinh trung học của các trường văn hóa nghệ thuật tỉnh. Nếu thiếu, đôi khi bổ xung bằng các giáo viên khác, cho đi học đôi chút chuyên tu nhạc họa. Đương nhiên đội ngũ giáo viên trung học này rất yếu. Ba năm học nghệ thuật, nhưng phải học rất nhiều môn khác, rồi giờ chuyên tu nghệ thuật không nhiều. Ví dụ nếu học đàn ghita ở ngoài thì ba năm đã thị tấu tốt, với thời gian ấy nếu học trong trường trung học nghệ thuật thì mới gẩy được vài bài, chủ yếu là đệm. Môn vẽ cũng vậy, học chuyên họa ba năm ở ngoài, thừa đủ thi thẳng đại học, nhưng học trong trường, muốn vào đại học, lại mất một vài năm luyện thi. Song vấn đề, lại ở chỗ, tuyệt đại bộ phận các nền giáo dục đã bỏ dạy nhạc họa trong trường phổ thông (với tính cách dạy nghề), mà chuyển sang dạy thẩm mỹ nghệ thuật, chủ yếu nâng tình yêu và kiến thức thưởng ngoạn, còn lại sáng tạo là tự do, không phải ai cũng trở thành thiên tài, và càng thiên tài càng cần tự do sáng tạo. Trẻ em bẩm sinh vốn vẽ đẹp, và tâm hồn ngây thơ, giầu xúc cảm, ngôn ngữ hình ảnh phát triển trước ngôn ngữ nói. Sự can thiệp của việc dạy vẽ lập tức làm xơ cứng thiên bẩm này, chưa kể người dạy không phải là giỏi. Đến tuổi dạy thì, thì cái thiên bẩm đó cũng tan biến, chỉ có rất ít người theo mãi nghệ thuật.
Vào trường Cao đẳng và Đại học nghệ thuật là mơ ước của những ai có chút máu nghệ sỹ. Ở các trường đại học nghệ thuật, khi bỏ đi hệ trung cấp, trình độ của học sinh đại học xuống hẳn. Sau nhiều năm luyện thi và trượt, người ta đã rút ra những quy luật học tắt chỉ dành cho kỳ thi. Ví dụ, bài vẽ bố cục theo đề tài, thì luyện một bố cục chung chung có một đám người, nếu làm nông nghiệp thì cầm cuốc xẻng, nếu làm công nghiệp thì cầm kìm búa, thêm chút máng nước, nếu là bộ đội, thì thay đổi trang phục và cầm súng. Thực tế cho thấy phải dạy học (ở đại học) cho những sinh viên này là một tai họa. Lối thi có tính cử tử và trình độ văn hóa chung của sinh viên rất kém so với đòi hỏi của một nghệ sỹ.
Từ một trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đến trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, rồi các đại học Mỹ thuật Huế, thành phố Hồ Chí Minh, đại học Mỹ thuật Công nghiệp, … phần chương trình nghệ thuật từ năm 1925 đến nay dường như không có gì thay đổi ngoài những phần chính trị, triết học, mỹ học, bất chấp nghệ thuật thế giới đã hoàn toàn thay đổi và thay đổi liên tục trong thế kỷ qua. Học sinh vẫn học theo lối cổ điển, coi việc luyện hình họa là nòng cốt của hội họa. Tuy chương trình cơ bản không thay đổi, nhưng chất lượng giáo viên và điều kiện học tập kém nhiều (nhất là trong thời bao cấp) làm cho việc học cổ điển chỉ là tương đối. Ở đây, một lần nữa, nghịch lý xuất hiện, do đào tạo kém, học kém mà nhiều người có cơ hội hơn đến với nghệ thuật hiện đại. Kiến thức Cổ điển và cơ bản thì bao giờ cũng cần, nhưng chỉ là một phương tiện, một trường phái, chứ không thể thành một áp lực. Nhiều trường ngoài Việt Nam đã giải quyết việc này bằng việc tự học trước khi vào trường và kết thúc việc học cơ bản từ năm thứ hai. Ba năm sau là học sáng tạo với nghệ thuật. Giống như người ta gọi một cầu thủ bóng đá vào đội bóng thì không dạy anh ta kỹ thuật đá bóng nữa. Ấy vậy mà ở Việt Nam hiện nay, học thạc sỹ ngành mỹ thuật vẫn có chương trình học hình họa, chúng tôi gọi đó là “phổ thông cấp 5”.
Từ sau chủ nghĩa Cổ điển và Hiện thực, các trào lưu nghệ thuật từ Ấn tượng đến Trừu tượng, gọi chung là nghệ thuật hiện đại (Modern Art) đều có học thuật riêng, nghệ thuật Hậu hiện đại (Post Modern Art) từ Pop Art cho đến nghệ thuật Địa hình (Land Art) và nghệ thuật Thân thể (Body Art) cũng vậy, mà học thuật của chúng xuất phát từ việc đối lập về tư duy nghệ thuật với Cổ điển và Hiện thực. Sự xuất hiện của ba nghệ thuật mới Sắp đặt (Installation), Trình diễn (Performance Art) và Video Art đặt việc đào tạo nghệ thuật cho các nhà trường phổ thông những vấn đề nan giải. Một mặt, chương trình của các trường nghệ thuật đã quá già cỗi, cứng nhắc, dường như là không thể và không muốn thay đổi; mặt khác việc rượt đuổi các trào lưu trên của các nghệ sỹ bên ngoài, đặc biệt từ năm 1980, và sau Đổi mới đã ảnh hưởng không nhỏ đến sinh viên hiện tại. Đã có lớp sinh viên tự làm một trưng bày Sắp đặt ngay trong lớp học và hiệu quả cũng không đến nỗi nào. Phòng triển lãm của trường, cũng thường được các nghệ sỹ Tiền phong trong ngoài thuê mượn, hấp dẫn không ít thầy và trò tham gia vào các hoạt động nghệ thuật mới mẻ hơn, và về căn bản thì là thấy tốt, thấy mới, chứ không làm sao cả. Thế nhưng khi Sắp đặt, Trình diễn và Video Art đã trở thành những môn học chính thức của các trường nghệ thuật nước ngoài, và chiếm từ 60-68% các triển lãm nghệ thuật quốc tế, thì các trường nghệ thuật trong nước vẫn dè dặt, chưa ai dám đặt vấn đề như đó sẽ là một chương trình tương lai.
Không rõ việc theo đuổi liên tục các trường phái nghệ thuật từ bên ngoài là hay hay không hay đối với nghệ thuật Việt Nam, nhưng nó đã là một thực tế, khi chúng ta sáng tạo thì ít, bắt chước thì nhiều, mỹ miều hơn là sáng tạo trong một quá trình học tập. Điều này đặt ra thách thức đối với tất cả các nền nghệ thuật chịu ảnh hưởng và có xu hướng ảnh hưởng phương Tây, không riêng gì Việt Nam. Để có thể kết luận nghiêm túc, người ta phải tổng kết nghệ thuật hoàn toàn đặc thù dân tộc và khu vực (phương Đông), xem thực sự mình có hay không có một bản lĩnh và một học thuật nghệ thuật. Đương nhiên Trung Hoa và Ấn Độ có bề dày lịch sử triết học, mỹ học và nghệ thuật cho tất cả các vấn đề của họ. Những nước phương Đông còn lại, học thuật nghệ thuật cổ truyền chủ yếu ảnh hưởng hai nền nghệ thuật này. Thế là chúng ta phải tiến hành hai bước: Học thuật hoàn toàn bản địa Việt Nam (chẳng hạn) và học thuật ảnh hưởng Trung Hoa và Ấn Độ. Chúng ta chưa làm, nếu có chỉ dừng lại ở mức độ nghiên cứu chung chung ở xã hội và ứng dụng trong ngành phục chế. Nhà trường cũng có môn học tập vốn cổ, nhưng rất sơ sài (khoảng một tuần trong năm năm học) nhằm ứng dụng luôn. Ngay cả Trung Hoa cũng vậy, khoa nghệ thuật truyền thống vô cùng khó khăn để kêu gọi sinh viên theo học. Đã có suy nghĩ, đối với nền văn hóa nào thì không biết, chứ còn đối với người Trung Hoa, truyền thống là một áp lực, rất khó khăn để từ bỏ. Tốt nhất là không theo học. Các trường nghệ thuật của chúng ta chưa sang trọng tới mức coi nghệ thuật như một hoạt động tư tưởng, chỉ đơn thuần truyền nghề, vì thế lý thuyết nghệ thuật, lịch sử nghệ thuật không được coi trọng như thực hành. Một sinh viên mỹ thuật được sang Mỹ học, các thầy dặn là: sang đấy học vẽ nhiều vào, lý thuyết ít thôi. Khi sang đến Mỹ, tình hình hoàn toàn ngược lại, chương trình lý thuyết rất nặng nề, sinh viên đó bèn đem lời các thầy Việt của mình nói với thầy Mỹ. Câu trả lời là: “Chúng tôi không đào tạo các nghệ sỹ ngu”.
Nguồn: http://soi.today/?p=31887