Tin tức

10 tác phẩm nghệ thuật không thể bỏ lỡ khi tới London (Phần 2)

Xem phần một tại đây.

6.  Katsushika Hokusai, “Sóng lừng ngoài khơi Kanagawa”

Katsushika Hokusai, Sóng lừng ngoài khơi Kanagawa, 1831

Nghệ sĩ ukiyo-e Nhật Bản Katsushika Hokusai (1760–1849) đã tạo ra một trong những bản in gỗ Nhật Bản dễ nhận biết nhất mọi thời đại. “Sóng lừng ngoài khơi Kanagawa” (1831) là một phần của loạt bản in phong cảnh “Ba mươi sáu cảnh núi Phú Sĩ”. Hokusai đã sử dụng kỹ thuật in gỗ phổ biến trong thời kỳ Edo để tạo ra hình ảnh núi Phú Sĩ được bao quanh bởi một con sóng khổng lồ. Tác phẩm của ông đã ảnh hưởng đến nhiều nghệ sĩ, bao gồm Vincent van Gogh, người được cho là đã lấy cảm hứng từ “Sóng lừng ngoài khơi Kanagawa" cho tác phẩm “Đêm đầy sao" của mình. Chỉ còn khoảng 100 bản sao của tác phẩm tồn tại đến ngày nay, và một bản trong số đó là nằm trong bộ sưu tập Đông Á tại Bảo tàng Victoria và Albert, hiện đang được trưng bày tại Young V&A như một phần của triển lãm “Japan: Myths to Manga” (tạm dịch: “Nhật Bản: Từ huyền thoại đến Manga"). Một bản sao khác cũng thuộc về Bảo tàng Anh, tuy nhiên hiện tại đang không được trưng bày tại đó.

7. Ngài James Thornhill, “Painted Hall”

Ngài James Thornhill, Painted Hall, 1707-1726

Phòng “Painted Hall”, còn được gọi là "Nhà nguyện Sistine của Anh," là một kiệt tác đáng kinh ngạc của họa sĩ người Anh thế kỷ 18 - ngài James Thornhill (1675–1734). Đây là một căn phòng tuyệt đẹp tại trường Hải quân Hoàng gia cũ. Căn phòng được trang trí bằng các bức tranh trần và tường quy mô lớn có diện tích 40.000 feet vuông. Trước đây, phòng này từng được sử dụng làm phòng ăn cho bệnh viện Hoàng gia; tuy nhiên, hiện nay nó mở cửa cho khách du lịch như một trong những kiệt tác vĩ đại nhất của Anh. Tương tự như các bức tranh trần Baroque của Ý, nó sử dụng một kỹ thuật gọi là trompe l’oeil (lừa dối mắt). Kỹ thuật này sử dụng ánh sáng và bóng tối, cũng như tỷ lệ biến dạng để lừa dối sự cảm nhận của người xem về một bức tranh phẳng. Nói cách khác, đó là một ảo ảnh, khiến bức tranh trông giống như ba chiều. Trường Hải quân Hoàng gia cũ là một trong những Di sản Thế giới của UNESCO và là một trong những kiệt tác tuyệt vời nhất mà bạn có thể thấy ở London.

8. Édouard Manet, "Quầy Bar tại Folies-Bergère"

Édouard Manet, Quầy Bar tại Folies-Bergère, 1882

Thường bị nhầm lẫn với một hoạ sĩ khác cùng thời, Édouard Manet (1832–1883) là một nhân vật quan trọng trong thế kỷ 19. Mặc dù các tác phẩm đầu tay của ông có đặc điểm của chủ nghĩa Hiện thực, các tác phẩm sau này của ông nghiêng về chủ nghĩa Ấn tượng nhiều hơn. Ông đã tạo ra một sự chuyển tiếp mượt mà từ Hiện thực đến Ấn tượng, và điều này đã truyền cảm hứng cho các nghệ sĩ trẻ khác. "Quầy Bar tại Folies-Bergère" (1882) là một trong những tác phẩm cuối cùng của ông, thể hiện chủ đề yêu thích của ông: đời sống tại Paris. Đối với cảnh này, nghệ sĩ đã sử dụng một bố cục thú vị. Ông đặt một người phụ nữ làm việc ở quầy bar ở phía trước, và một chiếc gương phản chiếu cảnh vật ở phía sau cô. Tuy nhiên, hình ảnh phản chiếu của người phụ nữ xuất hiện ở phía bên phải, thay vì ngay phía sau cô. Chi tiết tưởng chừng như không quan trọng này tạo ra nhiều sự nhầm lẫn và chính điều đó làm cho tác phẩm trở nên hấp dẫn. Kiệt tác của Manet và các bức tranh Ấn tượng khác được treo tại Courtauld Gallery ở London.

9. “Siva (Shiva) Nataraja”

Siva (Shiva) Nataraja

“Nataraja” là một bức tượng đồng của thần Hindu Shiva trong tư thế vũ công vũ trụ. Bức tượng này đến từ bang Tamil Nadu trong thời kỳ triều đại Chola hơn một ngàn năm trước. Bức tượng có ý nghĩa văn hóa sâu sắc vì nó biểu trưng cho chu kỳ vĩnh cửu của cuộc sống. Shiva xuất hiện trong một tư thế nhảy múa với nhiều cánh tay và tóc vươn ra thành các sợi mảnh. Vòng Lửa, biểu tượng cho vũ trụ, bao quanh vị thần khi ông dẫm lên một con lùn, đại diện cho sự ngu dốt của con người. Nataraja được coi là hình thức tối thượng của thần Shiva, được xem như nguồn gốc của mọi chuyển động trong vũ trụ. Biểu tượng quan trọng này của văn hóa Ấn Độ đứng trong Bảo tàng Anh cùng với một bức tượng tương tự, một trong những bức tượng Nataraja sớm nhất được biết đến từ khoảng năm 800 SCN.

10. Ngài John Everett Millais, “Ophelia”

Ngài John Everett Millais, Ophelia, 1851-1852

Ai mà không ít nhất một lần phàn nàn về trường học của mình? Ngài John Everett Millais (1829–1896) chắc chắn đã như vậy, đến mức vào năm 1948, trong một cuộc họp với hai nghệ sĩ trẻ khác tại nhà cha mẹ mình, ông quyết định thành lập một nhóm gọi là Huynh Đệ Tiền Raphael (Pre-Raphaelite Brotherhood). Nhóm từ chối phong cách nghệ thuật phương pháp chủ nghĩa của Học viện Hoàng gia, phong cách này theo học thuyết của họa sĩ Phục hưng nổi tiếng Raphael, nguồn cảm hứng cho tên gọi của nhóm. Họ bị cuốn hút bởi nghệ thuật Ý thế kỷ 14 và 15 và không thích các tác phẩm thể loại phổ biến thời đó. Một trong những tuyên bố của họ là nghệ thuật chỉ nên miêu tả những chủ đề nghiêm túc, chẳng hạn như tôn giáo hoặc các chủ đề từ văn học. Tác phẩm nổi tiếng của Millais: “Ophelia” (1851–1852) miêu tả chính điều đó. Đây là một cảnh trong vở Hamlet của Shakespeare, và nó bám sát giáo lý của Huynh Đệ Tiền Raphael về việc nghiên cứu thế giới tự nhiên một cách tỉ mỉ. Ban đầu, nó nhận được phản hồi trái chiều, nhưng giờ đây nó là một trong những tác phẩm quan trọng của thời kỳ đó. Kiệt tác này nằm ở London như một phần của bộ sưu tập Huynh Đệ Tiền Raphael tại Bảo tàng Tate.

 

Nguồn: Daily Art Magazine

Biên dịch: Hoàng Linh

 

Viết bình luận của bạn:

Tranh vẽ theo yêu cầu. Chúng tôi nhận đặt vẽ tranh theo yêu cầu với thể loại và chất liệu đa dạng. Hãy để những bức tranh nói lên phong cách của bạn.

Tải ứng dụng ngay

Google Play App Store
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

icon icon icon