-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
THÔNG TIN TÁC PHẨM
Tên tác phẩm: Bát bửu
Họa sĩ: Phan Cẩm Thượng
Chất liệu: Màu tự nhiên
Kích thước: 60x 120 cm
Năm sáng tác: 2021
TRANH BÁT BỬU
Bát bửu là một biểu tượng trong phật giáo Tây Tạng, biểu tượng này xuất hiện rất nhiều ở chùa Bút Tháp nơi họa sĩ Phan Cẩm Thượng đã từng sống và nghiên cứu trong khoảng thời gian gần 11 năm.
Bức tranh vẽ rất kỹ lưỡng về các phong tục tập quán của người Việt Nam xưa kia. Ví như người nam có mái tóc búi tó hơi thấp, người thị nữ thì có búi tóc chẽ đôi. Cô Cung Phi có cạp váy thắt rất dài kiểu ruột tượng, khuyên tai bằng ngọc. Các tương quan trong bức tranh được vẽ với một tinh thần điềm đạm, thư thái để giải quyết các tương quan về màu phù hợp với phong tục tập quán về trang phục trang phục.
Hoa văn của bức tranh này không hòa quện như của những bức tranh khác, mà được sắp xếp từng khối từng khối một. Mảng màu phía trước mang màu Xanh Thái Thanh Lam một trong các sắc lam rất đẹp và khó vẽ. Mảng màu phía sau là xanh phỉ thúy kết hợp với vàng già là màu thường được dung trong hoàng cung.
Bố cục đổ nặng về phía bên trái, nhưng vẫn khéo cân bằng bằng một hình khỏa thân có cánh tay vươn vào để phá cái đổ nặng. Màu xanh thái thanh lam đệm phía bên trái, và màu xanh phỉ thúy đệm phía bên phải đã chắn được tất cả cái bồng bềnh của phần bố cục ở giữa, và làm cho mọi sắp xếp trông thật ngẫu nhiên.
Ông Phan Cẩm Thượng – để viết về ông quả là không dễ dàng. Điều tôi băn khoăn nhất là viết về ông dưới khía cạnh nào khi có quá nhiều góc độ có thể đề cập, cuối cùng thì trong vốn hiểu biết hữu hạn của mình, tôi cũng sẽ bày tỏ một vài nhận định về ông.
Tạm gạt sang một bên những thông tin đầy rẫy về ông trên google, về nhà nghiên cứu văn hóa, hay phê bình nghệ thuật…chúng ta đến triển lãm này, hãy chỉ nghĩ về ông là một họa sỹ. Phan Cẩm Thượng sinh năm 1957, tốt nghiệp Đại học mỹ thuật Việt Nam năm 1984, trong dòng lịch sử hội họa Việt chúng ta có thể xếp ông vào thế hệ các họa sỹ thời kỳ Đổi Mới.
Hãy nói sang chuyện dòng lịch sử hội họa để có thể trở về với vị trí của Phan Cẩm Thượng. Những họa sỹ được xếp vào dòng lịch sử hội họa thế giới là những họa sỹ đại diện cho một phong trào sáng tạo nên cái gì mới, còn đối với dòng lịch sử hội họa dân tộc Việt, tạm tính từ đầu thế kỷ 20, thì thường là họa sỹ đó một tạo hình nghệ thuật riêng, và có tiếng nói đại diện cho lối sống, cho tư duy, cho một thời kỳ hoặc đặc trưng văn hóa. Ông Phan Cẩm Thượng đã viết nghiên cứu nghệ thuật cho nhiều họa sỹ khác, nhưng ông lại không đặt chính mình vào dòng chảy hội họa Việt.
Tranh ông Thượng có tạo hình riêng biệt, không trùng với bất kỳ họa sỹ nào đang và đã từng vẽ. Xem ông Thượng vẽ, tôi mới chứng nghiệm được rằng tạo hình riêng theo từng nét bút, đi ra từ tất cả các thành tố tạo nên một người họa sỹ, chứ không chỉ học ở đâu mà được. Vẽ là một kỹ năng có thể rèn luyện được, nhưng ở người họa sỹ nó phải được luyện đến mức trở thành bản năng, vẽ như hòa hợp với tâm hồn mình, với cảm xúc của mình. Trong từng nét bút, người khác có chép y hệt, nó cũng không phải là hồn ấy.
Mỗi một họa sỹ đều có một cội nguồn văn hóa. Cái gốc văn hóa ấy quyết định cách nhìn trong nghệ thuật của họ như một phẩm chất tự nhiên. Với ông Thượng thì đó là văn hóa cổ. Tranh ông Thượng đa số là một khổ giấy dó 60x120cm, từ những tờ giấy dó đã để 20 năm nọ độ ẩm khiến những nét bút mềm và màu quyện vào giấy. Những bức tranh trong triển lãm này mang cảm hứng từ những nhân vật trong thế kỷ thứ 17, cùng các tập tục trang phục và mật mã văn hóa ẩn chứa bên trong. Bố cục tranh hầu hết là vô hướng, và “ngẫu hứng trong có lý”. Đôi khi là những tà áo bay ngược xuôi, những chân tay mọc ra từ trong tà áo ở những chỗ bất thường, trông có vẻ lạ lùng nhưng đều là những sự tính toán về cân bằng thị giác. Ông Thượng dùng hệ màu tự nhiên trên giấy dó, các hòa sắc ưa thích là màu của củ nâu, màu hồng gạch, vàng già, vàng nghệ, màu đen của mực tàu, đâu đó là xanh thái thanh lam, xanh ngọc phỉ thúy…trong một bản hòa sắc mang tính thẩm mỹ dân tộc, làm hiển hiện lên trong mắt ta điều gì đó thân quen nhưng lại đã từ lâu không thấy, thành thử nó có vẻ ấm áp và dịu dàng. Điểm cuối cùng không thể không đề cập, tuy là nội dung có tính chất văn hóa cổ, sử dụng hệ màu tự nhiên, nhưng tổng hòa lại mang chiều hướng hiện đại, mới - chứ không hề cũ.
Vân Vi.